Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã kiến nghị như thế tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khảo sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa tại TP. Huế, ngày 7/7.
Đoàn công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng dẫn đầu.
Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao |
Còn bất cập trong quản lý, bảo vệ di tích
Tại buổi làm việc, Sở Văn hóa và Thể thao thông tin, những năm trước đây trên địa bàn tỉnh có 188 công trình lịch sử văn hóa, danh thắng có giá trị lịch sử, văn hóa đã được kiểm kê và đưa vào danh mục bảo vệ. Qua rà soát, tỉnh nhận thấy có nhiều công trình lịch sử - văn hóa và danh thắng nằm trong các danh mục này đã được xếp hạng di tích hoặc bị biến dạng, thay đổi không còn giữ những yếu tố gốc cần được đưa ra khỏi danh mục bảo vệ. Do vậy, từ năm 2018 đến 2019, tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thực hiện các thủ tục để triển khai công tác kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, bên cạnh Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa Thế giới, đến nay trên địa bàn tỉnh có 3 quần thể/hệ thống di tích cấp quốc gia đặc biệt là Quần thể Di tích Cố đô Huế, hệ thống đường Trường Sơn (Hồ Chí Minh) đoạn đi qua tỉnh và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế; 89 di tích cấp quốc gia; 94 di tích cấp tỉnh.
Trong 20 năm triển khai Luật Di sản văn hóa, tỉnh đã đầu tư tu bổ tôn tạo với tổng số vốn hơn 3.700 tỷ đồng cho hơn 100 công trình, di tích lịch sử văn hóa. Ông Hải khẳng định, từ khi Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009 được ban hành cùng với các văn bản hướng dẫn kèm theo, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương cơ bản đã đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn còn một số bất cập, đặc biệt là những bất cập liên quan đến việc khoanh vùng bảo vệ di tích. Điều này dẫn đến những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, xây dựng và nhiều lĩnh vực liên quan khác cũng như làm ảnh hưởng đến nhu cầu dân sinh chính đáng của cộng đồng dân cư địa phương, nhất là sau 20 năm áp dụng (2001 - 2021), các bất cập ngày càng bộc lộ rõ ràng hơn.
Rất nhiều cơ hội lẫn thách thức
Kiến nghị với đoàn khảo sát, ông Phan Thanh Hải đề nghị Quốc hội sắp tới khi sửa Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung) cần xem xét, tạo cơ sở pháp lý trong điều chỉnh khoanh vùng di tích. Ngoài ra, xem xét nâng mức đầu tư cho di sản văn hóa đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt để bảo tồn sự toàn vẹn di sản và phát huy giá trị phục vụ công tác đối ngoại văn hóa của Việt Nam.
Ông Hải cũng đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có ý kiến đề xuất với Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ để tỉnh Thừa Thiên Huế sớm hoàn thành công tác di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị hệ thống di tích. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hỗ trợ tỉnh trong việc huy động nguồn lực cho Quỹ bảo tồn di sản Huế; xem xét, hướng dẫn trong việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích Quần thể di tích Cố đô Huế.
Một đợt triển lãm chuyên đề được tổ chức ở không gian Bảo tàng Lịch sử tỉnh |
Các đại biểu tham gia đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy, lan tỏa được giá trị văn hóa di sản, với rất nhiều kết quả rõ ràng. Tuy nhiên cũng chia sẻ những khó khăn mà ngành gặp phải trong quá trình triển khai chính sách pháp luật trong lĩnh vực văn hóa di sản.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định ngành văn hóa tỉnh có rất nhiều đổi mới sáng tạo, thể hiện được nhiệt huyết. Theo ông Sơn, Huế có nhiều điểm đặc biệt về di sản văn hóa, đó là cơ hội thuận lợi nhưng đồng thời cũng là thách thức trong việc phát huy giá trị. “Vì thế, khi bàn đến việc sửa Luật Di sản văn hóa, đoàn phải đến Huế để nắm rõ tình hình một cách thực tế, cụ thể. Trong tương lai, sẽ mời đại diện của Huế tham gia tổ tư vấn để sửa luật, sao cho phù hợp thực tiễn Việt Nam và xu hướng thế giới, tạo thuận lợi để phát huy giá trị di sản”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cũng đồng tình và cho rằng Huế là địa phương đặc thù trong lĩnh vực văn hóa nói chung và di sản nói riêng. Huế nhận thức rõ trách nhiệm, luôn tiên phong trong quản lý di sản, chống xuống cấp các hệ thống di tích. Ngoài ra, rất ấn tượng với những Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến vấn đề di sản cũng như có nhưng mô hình quản lý hay và là bài học để các địa phương tham khảo.
Theo ông Lượng, Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa. Vì thế, trách nhiệm của ngành văn hóa sắp tới là rất lớn. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung những vấn đề, kiến nghị, tham mưu các chính sách pháp luật.