leftcenterrightdel
 Công ty CP Đầu tư Dệt may Thiên An Phát hoạt động có hiệu quả tại CCN An Hòa

Với quy mô nhỏ hơn so với các khu công nghiệp, khu kinh tế, CCN ra đời góp phần thúc đẩy lĩnh vực kinh tế công nghiệp địa phương, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho lao động.

Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

Cách đây chừng 2 thập niên, CCN Thủy Phương (TX. Hương Thủy) ra đời với tên gọi là làng nghề tiểu thủ công nghiệp Thủy Phương. Thời điểm đó, CCN này được xem là một trong những CCN làng nghề đầu tiên ở Thừa Thiên Huế nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn về mặt bằng cho các hộ sản xuất tập trung đông ở địa phương, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Năm 2014, CCN Thủy Phương chính thức thành lập với quy mô hơn 78ha. Thời gian đầu ra đời, do nằm ở vùng sườn đồi địa hình phức tạp, các nhà đầu tư đăng ký vào hoạt động phải bỏ kinh phí khá lớn để thực hiện giải phóng mặt bằng… khiến các DN băn khoăn khi đầu tư, dẫn đến tiến độ triển khai chậm. Tuy nhiên, khi xác định vị thế thuận lợi nằm trên tuyến đường tránh phía tây TP. Huế và Tỉnh lộ (TL) 7, cách trung tâm TP. Huế chưa đến 10km…, CCN Thủy Phương nhanh chóng thu hút các đơn vị, DN không chỉ ở địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh (SXKD)

leftcenterrightdel
 Nhiều doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Hương Phú (Nam Đông) SXKD có hiệu quả

Mới đây, trở lại thăm CCN Thủy Phương, chúng tôi cảm nhận nơi đây chẳng khác khu công nghiệp bởi nhà xưởng nối nhà xưởng cùng lưu lượng người, xe rộn ràng vào ra sản xuất, vận chuyển hàng hóa trong không gian rộng lớn.

Ông  Nguyễn Minh Trung, Giám đốc Công ty CP Sản xuất bê tông Thành Công - đứng chân tại CCN Thủy Phương chia sẻ, đơn vị mới thành lập nhưng xác định để phát triển quy mô sản xuất, bên cạnh sản phẩm uy tín chất lượng thì địa điểm mặt bằng nhà xưởng là vấn đề được chú trọng. Năm 2020, Công ty Thành Công  gỡ được “nút thắt” về mặt bằng khi được thuê đất tại CCN Thủy Phương nên mỗi năm sản xuất 60 nghìn m3, doanh thu đạt 30-40 tỷ đồng, giải quyết hơn 50 lao động địa phương có thu nhập ổn định.

Hiện, CCN Thủy Phương có tỷ lệ lấp đầy hơn 76%, với 54 DA đăng ký đầu tư; trong đó có 34 DA hoạt động, với tổng vốn đăng ký  hơn 545 tỷ đồng, gồm các ngành nghề cơ khí, vật liệu xây dựng, điện tử, chế biến nông, lâm sản, mộc dân dụng, mỹ nghệ cao cấp, đan lát… Dao động bình quân những năm gần đây CCN Thủy Phương có giá trị sản xuất đạt từ 700-800 tỷ đồng, nộp ngân sách từ 40-50 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho hơn 1.100 lao động…

 Được xem như “sếu đầu đàn” thành công trong phát triển mô hình CCN ở trên địa bàn tỉnh phải nói đến CCN An Hòa, TP. Huế. CCN này ra đời vào năm 2001 với quy mô hơn 48ha. Với điều kiện thuận lợi về giao thông, gần trung tâm TP. Huế nên chỉ sau một thời gian ngắn đã thu hút nhiều cơ sở, DN chuyên lĩnh vực may mặc, sửa chữa cơ khí, mộc mỹ nghệ, sản xuất dụng cụ y tế… trong, ngoài địa phương vào SXKD. Tính đến nay, CCN An Hòa có tỷ lệ lấp đầy gần 100% giai đoạn 1 với 51 DA của 41 đơn vị, DN thuê đất hơn 34ha hoạt động sản xuất với tổng vốn đăng ký hơn 430 tỷ đồng. Hiện nhiều DN hoạt động hiệu quả tại CCN An Hòa, như công ty CP Đầu tư Dệt may Thiên An Phát, Công ty TNHH SX&TM Ngọc Bích, Công ty TNHH Minh Hòa, Công ty TNHH Nguyễn Danh… Năm 2022, tổng doanh thu các DN đạt hơn 2.676 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 45 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 4.700 lao động địa phương.

Thiết thực cho miền núi

Theo ông Nguyễn Lương Bảy, Phó Giám đốc Sở Công thương, đến nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập 11 CCN, với diện tích gần 370ha; trong đó có 9 CCN được phê duyệt cơ sở hạ tầng với hơn 152 tỷ đồng, chủ yếu như san nền, làm đường nội bộ, điện… Trong số CCN hình thành có 7 CCN đi vào hoạt động, với hơn 140 DA đăng ký đầu tư đạt 2.118,78 tỷ đồng và đăng ký thuê đất hơn 103ha; đồng thời giải quyết việc làm hơn 8.400 lao động địa phương.

Đáng nói, nhờ chủ trương, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng,  xây dựng, di dơi nhà xưởng…  của tỉnh đã giúp các CCN hình thành, tạo diện mạo mới cho sản xuất công nghiệp các địa phương, trong đó tạo động lực cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, đặc biệt như các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới - nơi có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất chế biến nông, lâm sản, gò hàn, cơ khí, mộc mỹ nghệ, đan lát may mặc…

Ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, tuy chưa có điều kiện như vùng đô thị, đồng bằng nhưng lĩnh vực sản xuất công nghiệp, TTCN được xem là một trụ cột chính phát triển kinh tế ở địa phương. Từ năm 2005, CCN Hương Hòa (Nam Đông) được thành lập hơn 10ha. Đến thời điểm này, dù còn hạn chế về hạ tầng nhưng tỷ lệ lấp đầy đạt gần 50%, có 3 DN vào đầu tư hoạt động, tổng vốn hơn 18 tỷ đồng.

Điển hình như Công ty TNHH Kim Sora đăng ký tại CCN Hương Hòa vào năm 2017 chuyên sản xuất áo quần xuất khẩu đã tạo thương hiệu với thị trường lớn ở châu Âu, Á… Hiện công ty này giải quyết hơn 600 lao động địa phương có nguồn thu nhập khá.

Cùng với CCN Hương Hòa, huyện Nam Đông đã thành lập CCN Hương Phú với quy hoạch chi tiết hơn 20ha, nằm cạnh TL 14D và tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan. Hiện CCN có Công ty CP Cao su Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH Viên Nén Renen đăng ký hoạt động.

Sự hình thành các CNN tạo cú hích cho Nam Đông tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phối hợp với ban, ngành của tỉnh để tổ chức các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ máy móc, thiết bị, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

Tại huyện A Lưới có CCN A Co với diện tích 50ha, đến thời điểm này đã thu hút được Công ty TNHH MTV Xây dựng, sản xuất, thương mại và dịch vụ Phúc Đạt và HTX A Co Hồng Thượng vào đầu tư hoạt động với tổng vốn đăng ký khoảng 16,7 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của hai đơn vị này đạt khoảng 17,6 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 50 lao động.

(Còn nữa)

Bài 2: Hạ tầng yếu và thiếu

Bài, ảnh: MINH VĂN