leftcenterrightdel
 Phụ nữ Phú Diên phát triển mô hình "Biến rác thành tiền" hiệu quả

Ở xã Phú Diên, hình ảnh những “ngôi nhà xanh” (được chế tạo bằng sắt, để đựng rác phế liệu như vỏ lon bia, vỏ chai nhựa, giấy báo cũ…, của chi hội phụ nữ các thôn, đặt ở gần chợ hoặc điểm công cộng thuận tiện) và hội viên phụ nữ mang rác phế liệu thu gom từ nhà mình, chuyển đến “ngôi nhà xanh” đã trở thành quen thuộc. Nếu các chị bận, những chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn là những người sẵn sàng đến tận nhà hội viên, đích thân thu gom. Rác phế liệu từ “ngôi nhà xanh” sẽ được bán gây quỹ, để hỗ trợ cho những hoàn cảnh phụ nữ hoặc học sinh khó khăn, trên địa bàn.

Chị Lê Thị Hồng Cẩm, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Diên và chị Hoàng Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Diên cùng chung tâm huyết khi cho rằng, đây là mô hình “Biến rác thành tiền” và thông qua mô hình này, phụ nữ Phú Diên muốn chia sẻ yêu thương đến những người yếu thế, đặc biệt là những trẻ em mồ côi.

Ngay sau khi Hội LHPN xã Phú Diên phát động, Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Khánh tiên phong trong thực hiện. 1 “ngôi nhà xanh” được đặt tại chợ. Mỗi ngày khi từ nhà ra chợ, trong giỏ nhựa của các chị là vỏ lon, chai nhựa…, được mang theo để “tập kết” vào “ngôi nhà xanh”. Từ ngày thực hiện mô hình, tiểu thương buôn bán tại chợ hình thành thói quen chủ động gom rác, phân loại rác phế liệu, bỏ vào “ngôi nhà xanh”, sau khi công việc buôn bán kết thúc.

“Sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em vừa làm sạch bảo vệ môi trường, đặc biệt để chung tay gây nguồn kinh phí, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, thật sự rất đáng mừng. Trên địa bàn thôn có cháu H., học sinh hiện đang học lớp 7, mồ côi cha, mẹ bỏ đi; H. ở với ông bà nội đã già yếu. Từ quỹ mô hình “Biến rác thành tiền”, chi hội phụ nữ thôn hàng năm chia sẻ đến cháu H. 1,5 triệu đồng, cùng những động viên về tinh thần; đồng thời sẽ đồng hành, hỗ trợ đến lúc H. vào đại học hoặc đi học nghề”. Chị Lê Thị Thúy cho biết, mô hình ý nghĩa và hiệu quả nên đã lan tỏa rộng.

6 chi hội phụ nữ thôn trên địa bàn Phú Diên đều phát triển mạnh “ngôi nhà xanh” để thực hiện tốt mô hình “Biến rác thành tiền”. Nhiều chi hội xây dựng được 2 “ngôi nhà xanh”; rác phế liệu bán đều đặn hàng tháng. Trong 5 tháng gần đây (từ tháng 11/2022- 5/2023), các chi hội phụ nữ thôn trên địa bàn toàn xã đã gây quỹ từ mô hình được tổng cộng gần 12 triệu đồng, để tặng quà, chia sẻ đến hội viên phụ nữ, học sinh nghèo, đặc biệt khó khăn. Có những trường hợp khó khăn đột xuất cũng được trích quỹ hỗ trợ. Nếu quỹ không đủ, chị em “lặn lội” đi kết nối vận động mạnh thường quân, để yêu thương được đong đầy.

Hội LHPN nhiều xã trên địa bàn huyện Phú Vang, thời gian qua cũng đã thực hiện rất hiệu quả mô hình “biến rác thành tiền”. Điển hình như Hội LHPN xã Vinh Thanh, xã Phú Gia, xã Phú Xuân…; với số quỹ gây được hàng chục triệu đồng mỗi năm, đã hỗ trợ kịp thời cho các hoàn cảnh phụ nữ, học sinh nghèo trên địa bàn, khích lệ họ vươn lên trong cuộc sống.

Theo thông tin từ Hội LHPN huyện Phú Vang, mô hình “Biến rác thành tiền” hay gọi là “Ngôi nhà xanh” là hoạt động vừa thiết thực, mang lại nguồn quỹ đáng kể nhằm giúp đỡ những hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, vừa chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đồng thời vận động hội viên, phụ nữ hành động chống xả rác thải bừa bãi vì một môi trường sống lành mạnh.

Từ năm 2018 phát động cho đến nay, trên địa bàn toàn huyện Phú Vang đã xây dựng được 40 mô hình “Biến rác thành tiền” với 890 thành viên tham gia và thu được gần 150 triệu đồng tiền quỹ từ việc bán rác thải tái chế thu gom của mô hình tại các xã, thị trấn và chi, tổ hội. Trong quá trình thu gom, các thành viên trong hội còn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải ngay tại nhà, góp phần làm đẹp môi trường sống.

Bên cạnh việc sử dụng nguồn quỹ để trao tặng 346 suất quà cho hội viên, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh nghèo, khó khăn, các chị còn linh động kết nối với các mạnh thường quân cùng chung tay ủng hộ để tổ chức các chương trình thiện nguyện.

Mô hình này đang được hội LHPN các cấp nhân rộng trên địa bàn huyện và trở thành điểm sáng về giữ gìn vệ sinh môi trường ở địa phương; vận động Nhân dân cùng tham gia thực hiện, tạo nên sức lan tỏa cho mô hình “Biến rác thành tiền" trong cộng đồng dân cư.

Từ hoạt động ý nghĩa này mà nhận thức của người dân, của hội viên, phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung về việc bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên. Với những hoạt động của mình, các chi hội đã tạo được ý thức sẻ chia trong cộng đồng thông qua việc biến rác thải, phế liệu thành những suất quà, tấm thẻ bảo hiểm y tế, các suất học bổng,… để hỗ trợ những phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương.

 

Bài, ảnh: Quỳnh Anh