leftcenterrightdel
 Cụm công nghiệp An Hòa, TP. Huế giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương

Nỗ lực từ ban, ngành các cấp

Trước những khó khăn, hạn chế từ CCN ở địa phương, lãnh đạo tỉnh đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và định hướng phát triển các CCN hiện nay trên cơ sở thiết lập một đề án do Sở Công thương chủ trì. Chỉ sau thời gian ngắn, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Khảo sát, đánh giá thực trạng và định hướng phát triển các CCN trong giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2050” theo Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 12/1/2022.

Quan điểm của đề án không ngoài mục tiêu phát triển các CCN phù hợp với định hướng phát triển KT-XH địa phương khi tỉnh nhà đang tập trung xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô…

Theo đề án này, giai đoạn từ 2021-2030 toàn tỉnh được điều chỉnh, nâng cấp, phát triển 21 CCN, với diện tích quy hoạch hơn 956ha; trong đó có 13 cụm được hình thành mới, với vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 4.066 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021-2025 có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 1.375 tỷ đồng; trong đó ngân sách địa phương hơn 128 tỷ đồng và các nguồn vốn khác khoảng hơn 1.247 tỷ đồng.

Đề cập những khó khăn về cơ sở hạ tầng các CCN hiện nay, một chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu phát triển cho rằng, đa phần các CCN hình thành trước đây việc quản lý hoạt động thực hiện theo Quyết định 105 ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 105). Theo đó, chủ đầu tư hạ tầng ở các CCN là UBND huyện, thị xã, thành phố, đại diện là trung tâm phát triển CCN cấp huyện hay ban quản lý dự án cấp huyện. Khi cơ quan cấp huyện làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, nhu cầu vốn rất lớn nhưng nguồn ngân sách hạn hẹp nên đầu tư hạ tầng CCN dàn trải, thiếu đồng bộ, hiệu quả thu hút đầu tư, sản xuất chưa cao. Ngày 25/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 68 về quản lý, phát triển CCN (Nghị định 68) thay thế cho quyết định trước đó, ưu tiên là thu hút DN làm chủ đầu tư hạ tầng...

leftcenterrightdel
 Cụm công nghiệp thu hút các cơ sở, DN tập trung để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực dân cư

Với chủ trương và quyết sách này, các ban, ngành chức năng liên quan tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển CCN theo Nghị định 68.

Qua tìm hiểu, hiện nay ở Thừa Thiên Huế có 6 DN tiếp cận đã, đang nghiên cứu đầu tư ở hạ tầng các CCN, như Công ty Hoa Gạo đầu tư hạ tầng tại CCN Hương Phú (50ha); Công ty TNHH Phúc Thịnh đầu tư hạ tầng CCN Bình Thành, TX. Hương Trà (75ha); Công ty Aphanam - Hà Nội đang nghiên cứu đầu tư hạ tầng CCN Thủy Phương 2, TX. Hương Thủy (70ha)… Đây là con số còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành bạn nhưng cũng ghi nhận nhiều nỗ lực của các ban, ngành chức năng địa phương đã tích cực mời gọi các DN tham gia đầu tư hạ tầng các CCN.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực chất mô hình trên là DN thuê đất ở CCN của Nhà nước với một số chính sách, cơ chế rồi tự xúc tiến đầu tư, kêu gọi DN thứ cấp thuê đất đã có điện, đường... vào hoạt động sản xuất. Đây là giải pháp góp phần giảm áp lực nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư vào CCN; đồng thời phải lựa chọn các DN có tiềm lực, uy tín... Tuy nhiên theo kinh nghiệm cho thấy, với mô hình này hiện nay không nhiều DN mặn mà, bởi vốn đầu tư hạ tầng CCN không nhỏ, thời gian để DN đầu tư hạ tầng hoàn vốn dài; trong đó công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các DN khi tham gia đầu tư họ rất cần sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân khi nhường đất cho CCN.

Tạo động lực từ cơ chế hỗ trợ

Theo đề án phát triển CCN đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt, Thừa Thiên Huế có 21 CCN. Bình quân đầu tư hạ tầng tại các CCN phải đạt 50-60% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030. Trong đó cụ thể từ nay đến 2025, sẽ tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn cho 3 CCN đã đi vào hoạt động, như CCN An Hòa, CCN Tứ Hạ, CCN Thủy Phương; đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng đạt 30% tại CCN mới thành lập và có tỷ lệ lấp đầy đạt 20%. Ngoài ra, đưa khoảng 30% trong tổng số đăng ký của cơ sở sản xuất trong khu dân cư di dời vào CCN… Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu 100% các CCN có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn; đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN đi vào hoạt động, có tỷ lệ lấp đầy cao…

Theo ông Nguyễn Lương Bảy, Phó Giám đốc Sở Công thương, quy hoạch CCN trên địa bàn được xây dựng dựa trên định hướng phát triển kinh tế của tỉnh nhằm sử dụng các nguồn lực để phát triển CCN hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp. Các CCN cũng được xây dựng để phát huy tiềm năng của từng khu vực phù hợp đặc trưng của các địa phương, vùng miền, gắn với bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nông thôn, duy trì phát triển bức tranh nông thôn mới bền vững tại địa phương hiện nay.

Thực tế lâu nay “điểm trừ” ở các CCN tại địa phương là bố trí DN chưa đồng bộ về ngành nghề nên khó xử lý nước thải, rác thải. Có DN đăng ký đầu tư SXKD ở CCN nhưng chậm đầu tư hoặc không có động thái đầu tư nên hệ số sử dụng đất ở các CCN chưa cao.

Quản lý CCN hiện nay cũng như thời gian đến, theo chúng tôi nên như quản lý chợ, giao cho DN quản lý sau đầu tư hạ tầng, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ về cơ chế, chính sách. Ở mỗi CCN đều cần hệ thống xử lý nước thải, DN đầu tư hạ tầng CCN sẽ thực hiện việc đó, rồi quản lý, vận hành, bảo dưỡng và thu phí của DN đang sản xuất, kinh doanh ở CCN.

Qua trao đổi với lãnh đạo Sở Công thương, với đề án phát triển CCN giai đoạn từ nay đến 2030, chúng tôi nhận thấy đối với các CCN trên địa bàn đã phân loại, CCN nào thuận tiện về giao thông, thuận lợi về SXKD, dễ xúc tiến đầu tư thì mức hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN, nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải phải khác với các CCN đơn thuần chỉ là nơi tập kết các cơ sở sản xuất vốn gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN cần tiếp tục quan tâm, đổi mới, tránh cào bằng và theo tỷ lệ diện tích. Điều nay rất cần sự tích cực từ Sở Công thương cùng các địa phương về cơ chế hỗ trợ phát triển các CCN nhưng sẽ tuân thủ theo nguyên tắc đó khi tham mưu UBND tỉnh và HĐND tỉnh thông qua nghị quyết.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đã, đang có 2 mô hình đầu tư hạ tầng ở các CCN, một do UBND huyện làm chủ đầu tư, hai là do DN làm chủ đầu tư. Đối với mô hình do huyện, thị xã đầu tư hạ tầng, việc hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên hỗ trợ cho các CCN có tỷ lệ lấp đầy từ 50% trở lên và chỉ hỗ trợ cho các CCN có lượng nước thải lớn nhằm tránh lãng phí đầu tư. Còn mô hình đầu tư hạ tầng do DN quản lý nên hỗ trợ một phần kinh phí; trong đó có hỗ trợ hệ thống xử lý nước thải.

Với đề án định hướng phát triển các CCN theo Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 12/1/2022 và Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 9/1/2023 về điều chỉnh phát triển CCN giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2050 trên địa bàn Thừa Thiên Huế sẽ có 28 CCN, với diện tích 1.405,1ha; trong đó TX. Hương Trà có 7 CCN (417,3ha); TX. Hương Thủy có 3 CCN (220ha); Phú Lộc 5 CCN (182,66ha); Phong Điền có 3 CCN (165,08ha); Nam Đông 3 CCN (160ha); TP. Huế 3 CCN (130ha); Phú Vang có 2 CCN (66ha); A Lưới 1CCN (30ha) và Quảng Điền 1 CCN (34,06ha)

Theo Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND tỉnh quy định, các cơ sở CN-TTCN vào CCN trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2025 được hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng; chi phí đầu tư nhà xưởng mới tối đa 300 triệu đồng và thuê mặt bằng tối đa 150 triệu đồng/cơ sở, DN.


Bài, ảnh: MINH VĂN