Đơn vị dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho học viên |
Làm tốt khâu định hướng, dự báo
Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 cơ sở GDNN; trong đó, có 7 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN và 10 cơ sở có hoạt động GDNN với nhiều ngành nghề khác nhau. Các cơ sở GDNN đã được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn. Những cơ sở tuyển sinh không đạt hiệu quả và ngành nghề không còn phù hợp với nhu cầu thị trường được cắt giảm.
Qua khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh tại 20/33 cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh, tính theo thang điểm 5, về cơ sở vật chất như phòng học, không gian sinh hoạt chung, cơ sở thực hành, cơ sở thực tập được các bạn học sinh, sinh viên đánh giá cao, ngưỡng tốt và rất tốt. Điểm trung bình đánh giá là 4,22 điểm.
Để thích ứng với thị trường và nhu cầu lao động, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động GDNN tại Thừa Thiên Huế cần được đánh giá tổng quan về năng lực đào tạo và định hướng phát triển của các cơ sở đào tạo; đánh giá về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp (DN), dự án, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, dự báo cho giai đoạn các năm tới. Đồng thời cần khảo sát các DN trên địa bàn tỉnh về vấn đề sử dụng lao động qua đào tạo, lao động phổ thông hoặc vấn đề đào tạo lại...
Đào tạo nghề theo nhu cầu là xu hướng mà nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang từng bước áp dụng |
Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh, cần có các nghiên cứu thực tiễn để thống kê tình hình đào tạo và sử dụng lao động trong các ngành nghề cụ thể, nhu cầu từ các đơn vị sử dụng trên toàn tỉnh trong những năm tới. Đây là cơ sở quan trọng để đưa ra các chính sách thu hút, phát triển và đào tạo nhân lực đáp ứng đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Để GDNN của tỉnh có được những bước đi, định hướng rõ ràng và cụ thể, chính quyền địa phương cần rà soát, sát nhập và phân tầng GDNN theo các nhóm chất lượng cao, đào tạo diện rộng và đào tạo theo nhu cầu DN để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn 2030. Chương trình đào tạo chất lượng cao (theo cấp quốc gia và quốc tế như ASEAN-4) cần sớm xây dựng để chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển các nhóm: công nghệ thông tin và công nghệ, dịch vụ và du lịch, y tế và lĩnh vực công nghệ nông nghiệp.
Gỡ rào cản từ nhiều phía
Theo đánh giá của ngành lao động - thương binh và xã hội, chất lượng nguồn nhân lực, tay nghề của lao động trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động, hoặc thậm chí phải đào tạo lại. Nguyên nhân là do việc phối hợp khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực ở một số DN chưa được quan tâm dẫn đến việc đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của DN. Việc kết nối cung - cầu lao động giữa DN và các cơ sở đào tạo gặp nhiều khó khăn do nhu cầu lao động của DN phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất kinh doanh trong khi nhân lực được đào tạo theo kế hoạch, theo niên khóa, có nguồn cung nhưng không có cầu hoặc ngược lại dẫn đến bất cập trong kết nối cung ứng nguồn nhân lực.
Nguyên nhân khách quan còn do một số dự án chậm tiến độ hoặc ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng đến dự báo phát triển nguồn nhân lực. Việc thu hút đầu tư các dự án vào các địa phương có lực lượng lao động dồi dào còn gặp nhiều khó khăn, nên chưa giải quyết được nhu cầu việc làm tại địa phương. Nguồn lực dành cho đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, thu hút, đãi ngộ nhân tài của tỉnh còn quá hạn chế, mức lương còn khá thấp đối với người lao động qua đào tạo. Chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút, giữ chân người tài, nhất là chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Xét mặt ngược lại, lao động nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, trong đó tập trung vào trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành và đáp ứng kiến thức nhu cầu công việc. Điều này đặt ra cho các cơ sở GDNN cần khắc phục những hạn chế này nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho giai đoạn tiếp theo. Việc xây dựng, áp dụng các chính sách, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng tay nghề và ý thức trách nhiệm trong giai đoạn mới của tỉnh là hết sức cần thiết nhằm đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, có chất lượng và kỹ thuật, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Để thực hiện nhiệm vụ này, cần phải có giải pháp liên kết giữa Nhà nước, nhà trường và DN để tăng cường sự gắn kết giữa môi trường giáo dục và thị trường lao động. Trong đó, xã hội hóa GDNN là việc cần làm nhằm xây dựng, chuẩn hóa các chương trình đào tạo tại DN kết hợp giữa nhà trường và DN dưới sự hỗ trợ của các chính sách của Nhà nước; khuyến khích phát triển cơ sở GDNN tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở GDNN trong DN, tư nhân tham gia đầu tư vào hoạt động GDNN, mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc theo hướng đào tạo tại chỗ và xây dựng mô hình mạng DN đến trường và mạng sinh viên đến DN; thu hút người có kỹ năng nghề cao và kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo nghề các cấp trình độ trong GDNN. Đồng thời, đưa giáo viên tham gia giảng dạy và trải nghiệm tại các DN cầm tay chỉ việc cho học viên nhằm nâng cao năng lực thực hành, phát triển các kỹ năng cần thiết và năng lực tự học.