Chê các hoàng tử ngay trước mặt vua
Chuyện nghe khó tin, nhưng lại có thật, được sử sách ghi lại hẳn hoi. Nhưng ai là người to gan như thế? Xin thưa, ông là Nguyễn Đăng Tuân, làm quan trải 3 triều: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị; nổi tiếng là người có "tính thận trọng, ít nói, và lối học chủ về nghĩa lý", sau khi về, được "vua mến nhớ khôn nguôi".
Tượng quan đại thần chầu trước sân điện Long An |
Ông sinh năm Nhâm Thìn (1772) trong một gia đình nho học tại làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đầu đời Gia Long, ông được tiến cử vào làm việc ở Viện Hàn lâm, rồi làm Tri huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Sau đổi về Huế sung chức Tư giảng ở Công phủ, rồi làm Thị giảng ở cung Chấn Hanh.
Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông được bổ làm Thiêm sự bộ Lễ. Năm Đinh Hợi (1827), thăng ông giữ chức Hộ tào Bắc Thành, sau chuyển sang Binh tào, rồi làm Hữu Tham tri bộ Lễ. Năm 1830, vua Minh Mạng sung ông làm Phó Tổng tài Quốc sử quán. Được một năm ông xin về nghỉ, được vua chấp thuận và được ban hàm Tả Tham tri bộ Lễ.
Tuy nhiên, sau đó vua nhận thấy chỉ có Nguyễn Đăng Tuân mới có thể dạy dỗ, uốn nắn được các hoàng tử. Vậy là ông lại được vua triệu về, giao cho chức Sư bảo để dạy các hoàng tử. Năm ấy là 1835, nhằm năm Minh Mạng thứ 16.
Chuyện rất thú vị là khi được giao chức Sư bảo, Nguyễn Đăng Tuân đã từng tâu thẳng với nhà vua rằng: Các hoàng tử phần nhiều là vô lễ, vì thế phải nghiêm khắc giáo dục mới mong nên người.
Thú vị không kém là vua Minh Mạng khi nghe Nguyễn Đăng Tuân nói thế không những đã không tự ái, không nổi trận lôi đình - điều mà ngay cả những ông bố bà mẹ bình thường ngoài “bá tánh” vẫn thường phản ứng mỗi khi nghe ai đó dám “chê” con cái của mình - mà ngược lại, nhà vua còn đồng ý với ý kiến của Nguyễn Đăng Tuân. Điều này khiến người ta nhớ lại chuyện ông hoàng con vua Gia Long là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân, ỷ thế con vua, không chịu học mà chỉ ham chơi, đã vậy còn tỏ ra xấc xược, hỗn láo với thầy dạy của mình là Ngô Đình Giới. Sau khi vua Gia Long mất, nối ngôi vua cha, Minh Mạng đã ban cho thầy dạy Quảng Uy công, em ruột của mình, một cây roi và cho phép "hễ thấy có lỗi thì đánh, chớ nên để thói kiêu căng và lười biếng lâu ngày thành nết quen”.
Lăng vua Minh Mạng |
Dạy bảo nghiêm cẩn và lại có sự hậu thuẫn của nhà vua nên các ông hoàng học trò của Nguyễn Đăng Tuân hầu hết đều răm rắp một phép. Sau này, Nguyễn Phúc Miên Tông, một trong các vị hoàng tử được Nguyễn Đăng Tuân uốn nắn, dạy dỗ đã được kế vị ngôi báu, trở thành vua Thiệu Trị.
Không chỉ có dạy dỗ, Nguyễn Đăng Tuân còn “nghĩ định điều lệ” cho công việc quan trọng ấy, công lao và tâm huyết như thế, ông được vua ban hàm Thượng thư và “bắt” đảm nhận chức Sư bảo mãi cho đến năm 1842, lúc tuổi đã 70, cố xin mãi ông mới được vua gia ân cho hồi hưu. Nghỉ ngơi được 2 năm thì ông mất tại quê nhà, hưởng thọ 72 tuổi; được vua truy tặng chức Thiếu sư, và ban tên thụy là Văn Chính. Ngoài ra, nhà vua còn sắc cho ty chức cấp tiền để lo việc tang, sai quan đến tế, đồng thời lại sai lấy thơ vua làm và soạn sự trạng khắc vào bia đá, dựng nơi làng của ông.
Sự thanh bạch - đức lớn của người làm quan
Không chỉ “bạo gan” dám chê con vua trước mặt vua, Nguyễn Đăng Tuân còn là tấm gương lớn về sự thanh bạch của người làm quan. “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần (NXB Giáo dục - 1997) đã dẫn mẫu chuyện sau đây về Nguyễn Đăng Tuân trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện (tập 2, quyển 13) như sau:
“Năm Thiệu trị thứ tư (1844), vua sai quan ở Nội các mang sắc thư đến nhà Nguyễn Đăng Tuân để hỏi thăm sức khỏe, đồng thời ban cho ông được hưởng thực thụ hàm Vinh Lộc Đại phu, Hiệp Biện Đại học sĩ, hàng năm cho được hưởng một nửa số bổng lộc của hàm mới này để dưỡng hưu. Lại cho một người con thứ được tập ấm chức Tư vụ, cho cháu là cử nhân Nguyễn Đăng Hành được ở nhà để chăm nom. Nguyễn Đăng Tuân dâng sớ, khẩn thiết chối từ, đại lược nói rằng: -Thần chỉ là con nhà thường dân, may mà được làm quan, được dự quyền ngang với hàng Tòng Nhất phẩm, đã không còn làm được việc gì nữa, chỉ chống gậy ở làng vui xem cảnh thái bình, như thế là đã quá may mắn…, dám đâu thân ở đồng nội mà ngồi ở bậc cao, chẳng hề có thực công, chỉ nhờ ơn sâu mà được đặc cách, lòng thần chẳng thể yên. Đó là một chuyện.
Thần làm quan trải thờ ba triều, lương bổng tích trữ lâu năm và cha ông của thần còn để lại cho thần hơn 100 mẫu ruộng, đủ lo sinh nhai, nhà cửa đâu đến nỗi thiếu thốn. Đã thế, thần còn được nhiều lần ban bạc lụa rất hậu hĩ, cộng lại cũng đủ nuôi tuổi già thừa thãi. Con của thần là Đăng Giai hiện đang được hưởng lương hàng Tòng Nhị phẩm, hàng năm vẫn gửi về biếu thần một nửa để góp thêm chi phí về củi gạo. Nay con thứ của thần là Đạt được thụ ấm, và cháu đích tôn là Hành cũng được ở nhà để chăm nom cho thần, vậy thì hết thảy mọi thứ phụng dưỡng đã đầy, đồ mặc không phải lo, thức ăn còn thừa chứ chẳng bận tâm về sự thiếu. Vậy mà còn nhận lộc quá nhiều, khiến lòng thần không được yên. Đó là hai chuyện. Vả chăng, thần vẫn nghe cổ nhân nói rằng, làm gì cũng phải tích đức về sau, đức lớn của người làm quan để lại cho con cháu chính là sự thanh bạch. Tấm lòng của thần từ trước tới nay ra sao, chắc thánh minh đã soi thấu. Nay, nếu nhờ ơn thánh thượng rủ lòng thương xót mà cho hưởng bổng lộc một nửa hàng năm, thì thần chỉ xin lãnh một kì để gọi là vinh hạnh bổng lộc vua ban và làm sáng tỏ ý khuyến khích kẻ bề tôi trung hiếu mà thôi. Còn như việc thưởng cho chức hàm cùng các khoản lương bổng từ sang năm trở về sau thì xin thánh thượng chuẩn cho ý của thần là xin được miễn nhận. Có như thế mới không phương hại đến việc ban thưởng của nhà nước mà con cháu của thần cũng đời đời được nhờ phúc ấy, vui đắp phúc trạch cho nhà, tức là đã được chịu ơn vua không biết gấp bao nhiêu lần rồi vậy”.
Những câu chuyện xưa sẽ hấp dẫn và ý nghĩa cho du khách mỗi khi đến thăm di tích Huế |
Bàn về Nguyễn Đăng Tuân, tác giả sách “Việt sử giai thoại” đã viết: Phàm là người, ai chẳng thích có tiền tài, địa vị. Nguyễn Đăng Tuân một đời làm quan cũng là để thỏa nỗi ham muốn bình thường đó thôi. Nhưng, khác với nhiều người, ông chỉ nhận những gì mình đáng nhận, kiên quyết từ chối tất cả những gì mình không đáng được nhận. Việc ấy, quả là rất khó làm, các vị quan xưa lại càng khó làm hơn nữa, bởi thế sử mới chép chuyện này… Xử sự như Nguyễn Đăng Tuân đã xử sự, phải thực sự là người có đức lớn mới có thể xử sự được.
Chuyện được sử sách chép lại, nhưng người “được gặp” những gương như vậy để mà dừng, mà đọc chắc hẳn không quá nhiều, nhất là trong cái thời hiện đại bây giờ, bao nhiêu chuyện, bao nhiêu những facebook, youtube, tiktok… cứ cuốn người ta đi. Thế nên mạo muội nhắc lại chuyện xưa, với niềm mong giúp cho người nay lắng lòng nghiền ngẫm đôi chút về cái “đức lớn của người làm quan để lại cho con cháu” như Nguyễn Đăng Tuân đã hành xử, chỉ như vậy thôi thiển nghĩ cũng là chút diễm phúc cho đời sống, cho xã hội bây giờ…