Ma túy không chỉ gây hệ lụy, mà còn hủy hoại bản thân đối với người mua bán, tàng trữ và sử dụng Ảnh: A. PHONG |
Ma túy được đưa vào cơ thể con người qua các đường: hút, hít, nhai, nuốt, tiêm chích,... gây ra trạng thái nhiễm độc, lú lẫn tâm trí, phản ứng loạn thần, tổn thương lên hệ thống thần kinh trung ương gây nên những trạng thái tâm lý không ổn định, làm mất đi một số chức năng cơ bản vốn có của con người, tạo thành những ảo giác, cảm giác mới lạ hoặc làm giảm cơn đau. Đặc biệt gần đây là ma túy đá được một bộ phận giới trẻ sử dụng, cho rằng đó là sành điệu, thể hiện đẳng cấp mà không gây nghiện,… Đây là nhận thức sai, đặc biệt rất nguy hiểm.
Ma túy, khi sử dụng nhiều lần sẽ gây ra sự lệ thuộc hay còn gọi là “nghiện”, nếu ngừng hay không sử dụng tiếp, người nghiện sẽ bị các rối loạn hay còn gọi là “hội chứng cai thuốc” gây cơn vật vã dữ dội như: tiêu chảy, nôn, đau mỏi, nhức cơ xương cảm giác khó chịu, tim đập hỗn loạn, không ăn, mất ngủ, sụt cân nhanh chóng,... làm cho người nghiện đau đớn, khổ sở không chịu nổi buộc phải tiếp tục sử dụng ma túy. Có thể nói, ma túy làm hủy hoại sức khỏe, làm mất khả năng lao động, học tập, làm cho thần kinh con người nghiện bị tổn hại.
Với bản thân người sử dụng ma túy gây tổn hại về sức khỏe như hệ: tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức năng thải độc, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động.
Nghiện ma túy dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma túy mãn tính, người gầy gò, xanh xao, mắt trắng, môi thâm, nước da tái xám, dáng đi xiêu vẹo, cơ thể gầy đét do suy kiệt hoặc phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm ngủ ngày, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị chết đột ngột.
Người nghiện ma túy thường bị mọi người xa lánh và người nghiện ma túy dần sống xa lánh người thân, gia đình bạn bè, sống ích kỷ, khép kín hơn, dẫn đến thiếu trách nhiệm với gia đình; khi lên cơn nghiện dễ làm tổn thương người thân, làm cho mọi người trong gia đình luôn sống trong trạng thái bồn chồn, lo lắng, mặc cảm vì có người nghiện.
Ma túy cũng gây gánh nặng đối với xã hội khi Nhà nước phải chi phí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho việc xóa bỏ cây thuốc phiện, cai nghiện ma túy cho người nghiện, phòng, chống và kiểm soát ma túy. Ma túy cũng là nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tình hình tội phạm trong nước gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự (trộm, cướp, buôn bán ma túy, buôn bán người, khủng bố...); là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác (mại dâm, cờ bạc, giết người...).
Do vậy, bất cứ ai cũng tuyệt đối không tò mò, không thử ma túy dù chỉ một lần, dù bất cứ loại ma túy dưới bất cứ hình thức nào, đặc biệt là giới trẻ. Đối với người trẻ, để cuộc đời không bị hủy hoại bởi ma túy, phải cương quyết tránh xa, không giao du với những người xấu có liên quan tới ma túy. Không tàng trữ, mua bán, vận chuyển chất ma túy hoặc xúi giục người khác tham gia dưới bất kỳ hình thức nào. Đề cao cảnh giác để không bị rủ rê, lôi kéo. Đồng thời, quan tâm, động viên, chia sẻ, giúp đỡ những người đã từng mắc nghiện, không kỳ thị hay xa lánh người cai nghiện.
Cuối cùng, tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt ứng phó kịp thời với những tình huống có thể xảy ra. Tìm hiểu về tác hại của ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, cộng đồng để có nhận thức đúng đắn về tác hại của ma túy. Từ đó, trong từng trường hợp cụ thể có thể tuyên truyền, vận động cho mọi người cùng phòng tránh ma túy.