Trẻ sẽ tự tin nếu được hướng dẫn cách phản biện các vấn đề |
Tôi có quen một cô giáo, không dạy thêm nhưng chỉ nhận một vài em học từ lớp 4 đến lớp 5 rèn luyện kỹ năng tranh luận và phản biện. Cô bảo, ban đầu nhiều người lo, khi các em đang ở tuổi ẩm ương, không kiềm chế cảm xúc, không khéo chúng lại nói hỗn… đâm phiền. Nhưng cô vẫn tự tin mở lớp, bởi cho rằng phản biện không phải là cho phép trẻ cãi lại người lớn, luôn khư khư bảo vệ ý kiến của bản thân. Thay vào đó, các em có thể đưa ra lập luận, ý kiến cá nhân. Cô dạy trẻ biết tôn trọng cảm xúc của người đang tranh luận.
Lớp học miễn phí của cô giáo trẻ ngày càng đông và vui nhộn trong dịp hè. Cô chỉ đặt ra những câu hỏi và cứ thế, các em tranh biện để đưa ra quyết định. Sau một tháng, cô nhận ra, những tình huống không khiến các em hoài nghi mà thay vào đó biết xử lý thông tin. Dần dần, học sinh có ý thức về suy nghĩ của chính mình, biết cân nhắc để đưa ra quyết định có lợi.
Vui nhất vẫn là phụ huynh. Nhiều người trải lòng, ngày trước mình cũng đã quá kỳ vọng vào con nên đã lên một kịch bản cầu kỳ, sau đó tập cho con ghi nhớ các kiến thức, rồi dạy trẻ cách trình bày trước đám đông. Phụ huynh quay clip với "sản phẩm" khá long lanh khiến mọi người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, các em lại lơ ngơ khi chuyển sang đề tài khác, nội dung khác. Thế nên, khi được cô giáo truyền đạt cho những kỹ năng phản biện, các em trình bày lưu loát và chững chạc hẳn ra.
Không ít phụ huynh tự giúp con rèn luyện tư duy phản biện. Đơn giản giúp các em rèn những kỹ năng, như: Đọc to, rõ ràng, diễn cảm; đọc trôi chảy, không ngọng; diễn đạt tốt các thể loại văn xuôi, truyện kể, thơ và truyện thơ; tập suy nghĩ nhanh và trả lời nhanh các câu hỏi sau mỗi bài tập đọc. Khi con đã học tốt rồi, phụ huynh chỉ cần điều chỉnh phương pháp thuyết trình sao cho duyên dáng, hấp dẫn; cách phản biện và tư duy phản biện sao cho đúng đắn, khoa học. Tất nhiên, để con phát triển kỹ năng này, phụ huynh cần khuyến khích các em nói lên quan điểm, ý kiến của mình (trong giới hạn cho phép). Ngay cả phụ huynh cũng phải trang bị những kiến thức cơ bản về tranh biện để có thể "tung hứng" và cung cấp cho con những kiến thức cần thiết.
Tôi đọc đâu đó thông tin đại loại rằng, tư duy phản biện sẽ giúp hoạt động não bộ của trẻ phát triển gấp 2 lần trong nhận thức và giải quyết vấn đề. Những đứa trẻ phát triển tư duy phản biện sẽ ghi nhớ tốt, đi đầu trong cách tìm và giải quyết vấn đề, cũng như có chỉ số IQ cao. Kỹ năng tư duy phản biện là nền tảng của giáo dục cũng như một kỹ năng sống quan trọng. Chưa kiểm chứng hết thông tin, nhưng tôi biết những học sinh có kỹ năng này các em học tốt hơn, năng động và hòa đồng với bạn bè.
Ở Huế, vẫn hiếm những lớp học về tư duy phản biện, thế nên, cách khuyến khích con nói trước đám đông và bày tỏ suy nghĩ, chính kiến của mình chủ yếu do phụ huynh đảm nhận. Ngoài ra, một số người đăng ký các lớp học online dạy về kỹ năng tư duy phản biện dành cho học sinh tiểu học, trong đó, có cả lớp phản biện bằng tiếng Anh. Cái hay và thú vị là phụ huynh và học sinh sau những khóa học sẽ hứng khởi, tranh luận nhưng không tranh cãi khiến các vấn đề trở nên hấp dẫn, sống động qua cách nhìn của các em.