leftcenterrightdel
Nhiều công trình giao thông ở TP. Huế xây dựng dang dở, phơi nắng mưa từ nhiều năm qua 

Đơn cử nhất là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhiều nơi vẫn treo nợ. Điển hình như chuyện 68 hộ ở thôn Phú Kinh Phường, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, Quảng Trị được sáp nhập sang xã Phong Mỹ (Phong Điền) theo Nghị quyết 31/NQ-CP của Chính phủ từ tháng 4/2020 đến nay còn hơn phần nửa bị lúng túng chưa được cấp sổ đỏ. Nhiều ý kiến tại thôn này cho rằng, đất đai tranh chấp không nói làm gì, điều lạ toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và hộ dân, nhân khẩu của thôn Phú Kinh Phường được tiếp nhận, quản lý về “nơi mới” mà cái sổ đỏ vẫn cứ dây dưa hơn 3 năm nay chưa xong.

Hay, tại xã Thủy Tân (TX. Hương Thủy) có 42 trường hợp thuộc diện di dân tái định cư DA mở rộng cảng HKQT Phú Bài (giai đoạn 1998-2022) đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Còn về tình trạng quy hoạch treo, người dân lên tiếng, báo chí cũng đề cập không ít, nhưng nhiều dự án vẫn “án binh bất động” khiến cho nhà cửa, hạ tầng chẳng thể nâng cấp, sửa sang.

 Rất nhiều và rất nhiều nhưng dẫn ra ví dụ điển hình, như bà con phường An Tây, TP. Huế nhiều năm qua phải chịu ảnh hưởng lớn liên quan đến đồ án Quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường cảnh quan Tây Nam TP. Huế được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 11/10/1999 trở thành vườn bách thảo. Lạ là đã hơn 20 năm qua đồ án này vẫn chưa được xây dựng hoàn tất, người dân không biết “vườn bách thảo” có tiếp tục hay không, trong khi đó việc tách thửa, sang nhượng đất đai nhiều gia đình nơi đây bị ngừng trệ, nhất là nhà cửa xuống cấp không được nâng cấp, sửa chữa.

Cũng gần khu vực “vườn bách thảo” là dự án làng Đại học Huế. Theo cử tri TP. Huế phản ánh, dự án này đã hơn 20 năm nhưng không thực hiện. Hiện nay trong khu vực quy hoạch dự án thuộc phường An Cựu, hạ tầng giao thông xuống cấp, đất không cho chuyển đổi mục đích, tách thửa... làm ảnh hưởng đến đời sống và làm ăn, buôn bán, kinh doanh của người dân.

Những chuyện trên là không mới. Người bị ảnh hưởng đã không ít lần phản ánh, đề đạt nguyện vọng chính đáng về nhu cầu căn bản của cuộc sống thì chính quyền nên thiện chí xử lý rốt ráo, dứt điểm.

Có nhiều lý do viện dẫn biện bác cho tiến độ giải quyết chậm trễ những kiến nghị của cử tri là vì cái khó chung của nền kinh tế. Cái khó bó từ nhà đầu tư lẫn chính quyền. Nhưng cái khó do kinh phí đầu tư có thể tìm được sự cảm thông, còn những dự án, những nhà đầu tư vì mục đích đầu cơ chiếm đất mà không thi công thì cần kiên quyết thu hồi.

Gần đây tỉnh đã triển khai các tổ “công tác đặc biệt” để theo dõi, giám sát nhằm tháo gỡ vướng mắc các dự án treo và chậm, dự án không thực hiện như cam kết ở các địa phương. Dẫu có hơi muộn nhưng đó là giải pháp, xem như thầy thuốc đã khám bệnh, kê đơn, chữa bệnh đúng cách…

Bài, ảnh: MINH VĂN