Nợ công toàn cầu đã tăng hơn 5 lần trong hai thập kỷ qua, vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Shutterstock. |
Theo báo cáo, nợ công đã đạt đến “mức khổng lồ” chủ yếu do hai yếu tố: Thứ nhất, nhu cầu tài chính của các quốc gia tăng cao khi phải cố gắng chống chọi với tác động của các cuộc khủng hoảng nối tiếp bao gồm đại dịch COVID-19, chi phí sinh hoạt gia tăng và biến đổi khí hậu. Và thứ hai, sự bất bình đẳng trong cấu trúc tài chính toàn cầu “làm cho khả năng tiếp cận tài chính của các nước đang phát triển trở nên không đầy đủ và tốn kém”.
Được công bố trước thềm Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 sẽ diễn ra từ 14/7-18/7, báo cáo chỉ ra rằng nợ công toàn cầu - bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài của chính phủ nói chung - đã tăng hơn 5 lần trong hai thập kỷ qua, vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế, khi GDP toàn cầu chỉ tăng gấp 3 lần kể từ năm 2002.
Các nước đang phát triển chiếm gần 30% nợ công toàn cầu, trong đó 70% là của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Trong thập kỷ qua, nợ công ở các nước đang phát triển tăng nhanh hơn so với các nước phát triển. Theo báo cáo, số quốc gia phải đối mặt với mức nợ cao (tỷ lệ nợ/GDP > 60%) đã tăng mạnh từ chỉ 22 quốc gia năm 2011 lên 59 quốc gia vào năm 2022.
Bất bình đẳng trong cấu trúc tài chính quốc tế
Các nước đang phát triển đang đối mặt với một cấu trúc tài chính quốc tế bất bình đằng, làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển bền vững. Gánh nặng nợ tăng lên bởi một hệ thống hạn chế các nước đang phát triển tiếp cận với các nguồn tài chính thay thế và buộc họ phải vay từ các nguồn đắt đỏ hơn, làm tăng tính dễ bị tổn thương và khiến cho việc giải quyết khủng hoảng nợ thậm chí còn khó khăn hơn.
Tổng nợ công của các nước đang phát triển tăng từ 35% GDP năm 2010 lên 60% GDP năm 2021. “Nợ đang trở thành gánh nặng đáng kể đối với các nước đang phát triển do khả năng tiếp cận tài chính hạn chế, chi phí đi vay tăng, đồng tiền mất giá và tăng trưởng chậm chạp”, báo cáo của LHQ nêu rõ.
Đồng thời, trong 10 năm qua, tỷ lệ nợ công nước ngoài của các chủ nợ tư nhân - chẳng hạn như trái chủ, ngân hàng và những tổ chức cho vay khác, đã tăng lên ở tất cả các khu vực, chiếm 62% tổng nợ công nước ngoài của các nước đang phát triển vào năm 2021. Các chủ nợ tư nhân này thường tính lãi suất cho các nước đang phát triển cao hơn nhiều so với các nước phát triển, thậm chí không tính đến chi phí biến động tỷ giá hối đoái. Trung bình, các quốc gia ở châu Phi phải vay với lãi suất cao gấp 4 lần so với Mỹ và thậm chí cao hơn 8 lần so với Đức. Chi phí đi vay cao khiến các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc tài trợ cho các khoản đầu tư quan trọng, điều này càng làm suy yếu tính bền vững của nợ và tiến trình tiến tới phát triển bền vững.
Lựa chọn bất khả thi: Trả nợ hay phục vụ người dân?
Khoảng 3,3 tỷ người đang sống ở các nước phải chi để trả lãi cho các khoản nợ cao hơn là đầu tư cho giáo dục và y tế. Ảnh: Worldvision |
Xu hướng nợ của các nước đang phát triển đã gây ra sự gia tăng nhanh chóng trong tổng các khoản thanh toán lãi công so với quy mô nền kinh tế và doanh thu của chính phủ. Hiện tại, 50% các nước đang phát triển dành hơn 1,5% GDP và 6,9% doanh thu của chính phủ để trả lãi - một mức tăng mạnh trong thập kỷ qua.
Sự gia tăng của các khoản thanh toán lãi là một vấn đề phổ biến. Trong thập kỷ qua, số quốc gia nơi chi tiêu để trả lãi chiếm từ 10% trở lên trong thu nhập công đã tăng từ 29 nước lên 55 nước.
Ở châu Phi, cũng như ở các nước đang phát triển tại Châu Á và châu Đại Dương (không bao gồm Trung Quốc), số tiền phải chi để trả lãi suất hiện cao hơn chi tiêu cho giáo dục hoặc y tế. Tương tự, ở châu Mỹ Latinh và Caribe, các nước đang phát triển đang dành nhiều tiền cho việc trả lãi hơn là đầu tư. Trên khắp thế giới, gánh nặng nợ nần gia tăng đang khiến các chính phủ không còn tiền để đầu tư vào các mục tiêu phát triển của LHQ đến năm 2030, bao gồm chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực; đảm bảo mọi trẻ em đều được đi học tiểu học và trung học cơ sở có chất lượng tốt, đồng thời đầu tư chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Ngày càng có nhiều quốc gia thấy mình bị mắc kẹt trong tình huống mà cả sự phát triển và khả năng quản lý nợ đều bị tổn hại. Hiện tại, ít nhất 19 quốc gia đang phát triển đang chi tiêu cho lãi suất nhiều hơn cho giáo dục, và 45 quốc gia đang chi tiêu cho lãi suất nhiều hơn cho y tế. Tổng cộng, khoảng 3,3 tỷ người - gần một nửa nhân loại – đang có cuộc sống bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiếu đầu tư vào giáo dục hoặc y tế do gánh nặng trả lãi lớn.
Trong bối cảnh đó, báo cáo của Nhóm Ứng phó Khủng hoảng Toàn cầu của LHQ đã đưa ra lộ trình hướng tới ổn định tài chính thế giới, bao gồm những cải cách lớn đối với cấu trúc tài chính toàn cầu, đặc biệt là IMF và Ngân hàng Thế giới WB. Báo cáo cũng đề xuất một “cơ chế” mới để giải quyết các khoản nợ bao gồm đình chỉ thanh toán, thời hạn cho vay dài hơn và lãi suất thấp hơn, kể cả đối với các nước thu nhập trung bình dễ bị tổn thương.