UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc kỳ họp |
Chủ trì kỳ họp có: UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân chủ trì kỳ họp.
Tham dự kỳ họp còn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 6,51% (cùng kỳ năm 2022: 6,78%), là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực; trong đó du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh trở lại với mức tăng 8,35%; doanh thu du lịch đạt gần 3.500 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Công nghiệp xây dựng giảm sâu, tăng trưởng chỉ đạt 2,95% (mức tăng cùng kỳ 11,84%) do sản lượng một số sản phẩm chủ lực (dệt may, xi măng) giảm và một số dự án tạo năng lực sản xuất mới chậm đi vào hoạt động. Nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng 9,48% (mức tăng cùng kỳ âm 7,5%), sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện. Toàn tỉnh có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 67/94, đạt tỷ lệ 71,27%.
Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 13.500 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 40% kế hoạch. Thu ngân sách đến ngày 12/7/2023 đạt 5.041 tỷ đồng (đạt 39% chỉ tiêu phấn đấu (13.000 tỷ đồng), đạt 51% so với dự toán (9.926 tỷ đồng), giảm gần 14% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước đạt 4.344 tỷ đồng, gần 30% dự toán....
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm |
Tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Báo cáo kinh tế - xã hội của UBND tỉnh tại kỳ họp cũng chỉ ra còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tuy 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 6,51% so với cùng kỳ, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (3,72%) nhưng thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng 9 - 10%. Thu ngân sách giảm so với cùng kỳ. Môi trường du lịch chưa thật sự hấp dẫn, thời gian lưu trú của du khách còn thấp; sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, năng lực tăng thêm chưa nhiều. Tiến độ triển khai một số dự án không đạt như kỳ vọng…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, trong 6 tháng cuối năm, rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội và Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế. Trọng tâm là tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các đề án, quy hoạch quan trọng, bảo đảm chất lượng, đúng kế hoạch. Chủ động bám sát, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và các kiến nghị, đề xuất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách; rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các đề án, dự án đề ra từ đầu năm, đồng thời triển khai một số nhiệm vụ có tiến độ thực hiện chậm. Đẩy nhanh tiến độ các dự án: Đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2; các dự án hạ tầng các khu công nghiệp; các dự án chỉnh trang đô thị và hạ tầng phục vụ tái định cư các dự án trên địa bàn…
Đại biểu trao đổi tại kỳ họp về các vấn đề cử tri quan tâm |
Thông qua 13 Nghị quyết quan trọng
Trong phiên làm việc buổi chiều, ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, HĐND tỉnh thảo luận và thông qua 13 nghị quyết, gồm: Phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi và điều chỉnh phương án sử dụng vượt thu năm 2022; quy định nội dung và mức hỗ trợ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; phê duyệt vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 5 dự án trên địa bàn tỉnh; kết quả phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp; quy định mức chi đối với công tác kiểm tra xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền; quy định mức đóng góp và các chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh; quy định mức chi thực hiện công tác thỏa thuận quốc tế của tỉnh Thừa Thiên Huế; quy định nội dung, mức chi cho hoạt động lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; quy định nội dung, mức chi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới; kết quả giải quyết kiến nghị cử tri tại Kỳ họp lần thứ 5, HĐND tỉnh khóa VIII; chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2024.
Trong số các nghị quyết, đáng chú ý quy định nội dung, mức chi cho hoạt động lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh được nhiều đại biểu quan tâm.
Quy định nội dung và mức chi cho hoạt động lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh được đại biểu và cử tri quan tâm |
Theo tờ trình về việc đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định nội dung và mức chi lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết sau khi được thông qua là mức chi dự kiến theo Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết này khoảng 4,621 tỷ đồng chiếm khoảng 0,14% tổng chi ngân sách thường xuyên hàng năm cho ngành giáo dục, tăng so với kinh phí đã được cân đối là 3,905 tỷ đồng. Trong đó ngân sách tỉnh cân đối để chi trả cho Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý là 1,012 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện cân đối để chi trả cho nội dung đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc huyện quản lý là 3,609 tỷ đồng.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng thảo luận các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; thực hiện dự toán ngân sách, các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023.