Du khách chờ nhận hành lý tại Cảng Hàng không sân bay Phú Bài. Ảnh: LÊ HOÀNG |
Phải thuận lợi
Tháng 7/2023, ngành du lịch Thừa Thiên Huế nhà đón tin vui khi lần đầu tiên đón đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Nhà ga T2 - Cảng HKQT Phú Bài và đường bay trực tiếp kết nối Huế với Incheon (Hàn Quốc) sẽ cất cánh ngày 31/7.
Lâu nay, câu chuyện di chuyển của khách quốc tế là điểm trăn trở của du lịch Huế. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch đánh giá, di chuyển phải thuận lợi mới có thể mở thêm nhiều tour tuyến, thu hút khách quốc tế. Còn trong một khảo sát của chúng tôi với nhiều vị khách trong nước và quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng: “Du lịch bằng đường hàng không là lựa chọn hàng đầu khi đi xa. Hầu hết hành khách quan tâm là phải có chuyến bay hai chiều. Khởi hành ở Huế, khách cũng mong muốn chiều về đáp xuống sân bay Phú Bài, nếu phải qua một sân bay khác, thực sự bất tiện”.
Phú Bài trở thành Cảng HKQT thứ 4 của cả nước từ rất sớm, sau quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ngày 29/8/2007. Tuy nhiên, nhiều năm qua, có rất ít chuyến bay quốc tế khởi hành và đáp xuống phi trường này. Khách đi du lịch các nước phải đi xe vào Đà Nẵng, hoặc thêm một chuyến bay đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khiến nhiều người không hài lòng. Ở chiều ngược lại, khách quốc tế cũng chưa thuận lợi đến Huế bằng đường hàng không.
Du khách quốc tế đến Huế bằng đường hàng không |
Anh Nguyễn Tiến Dũng, một người dân Huế trăn trở: “Chưa nói các chuyến bay quốc tế, chỉ riêng chuyến bay nội địa, tính cạnh tranh của Huế đã chưa cao. Ít chuyến bay nên du khách không được thoải mái lựa chọn giờ bay đẹp, chủ yếu là phụ thuộc giờ bay của các hãng hàng không. Có khi lịch công tác ngày mai, nhưng hôm nay đã phải đi vì không có chuyến bay khác là một điều đáng bàn”.
Hợp tác hàng không - du lịch
Kể từ khi Nhà ga T2 của Cảng HKQT Phú Bài được đưa vào khai thác (tháng 4/2023), người dân và du khách đang trông chờ mở thêm đường bay mới, liên kết xúc tiến chuyến bay quốc tế và tạo cơ hội cho du lịch phát triển mạnh.
Trên thực tế, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm vấn đề này. UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) xúc tiến các đường bay nội địa, quốc tế đi và đến Cảng KHQT Phú Bài. Đồng thời, đã có buổi làm việc với Ban Thương mại - Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet về việc mở đường bay mới trong nước và quốc tế đến Huế.
Chủ trương của tỉnh khi Nhà ga T2 của Cảng HKQT Phú Bài được đưa vào khai thác là phát triển các chuyến bay nội địa; nghiên cứu mở các chuyến bay đến các địa phương khác; ưu tiên mở các chuyến bay đến Singapore, Thái Lan và mở chuyến bay đến các thị trường khác, như: Ma Cao, Đài Loan…; tăng cường tần suất các chuyến bay đi và đến Cảng HKQT Phú Bài. Để làm được điều đó, cần sự hợp lực từ nhiều phía, từ chính quyền địa phương, các hàng hãng không, ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành…
Rõ ràng, giải pháp thu hút khách quốc tế gắn rất chặt với câu chuyện hợp tác hàng không - du lịch. Tại một hội thảo liên quan vấn đề này vào tháng 4/2023, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá, du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành. Để đạt được các mục tiêu của ngành du lịch, vai trò của hàng không là rất lớn. Trong đó hợp tác hàng không - du lịch đặc biệt quan trọng.
Tổng cục Du lịch đã đề xuất một số giải pháp như rà soát lại các hiệp định về hàng không đã ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ để tạo thuận lợi cho các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam và các địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam. Bên cạnh đó, phải tiếp tục nâng cao năng lực điều hành tại cảng hàng không. “Sân bay quốc tế Phú Bài hiện nay rất đẹp, nhưng ngoài ấn tượng về vẻ đẹp kiến trúc, việc bố trí lực lượng kiểm soát, giải quyết các thủ tục tại sân bay một cách nhanh chóng, thuận tiện cũng là điểm cộng khi du khách chọn Huế làm điểm đến”, ông Trương Thành Minh phân tích.
Việc phát triển loại hình “thuê chuyến bay” phục vụ du lịch cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chính quyền địa phương cần có những hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp lữ hành cần nỗ lực kết nối khách với các tour, tuyến và sự chủ động của ngành du lịch là “chìa khoá” quan trọng để mở ra cơ hội.