Mỗi phụ huynh là một người bạn lớn để đồng hành với con. Ảnh: MC |
Những chuyến đi
Đủ đầy về điều kiện sống, vật chất là vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là giá trị tinh thần và sự đồng hành của cha mẹ trong từng bước chân trưởng thành của con. Không gì hạnh phúc bằng khi con trẻ có một tuổi thơ ấm áp, thú vị và giàu trải nghiệm. Đó là quan điểm của chị Trần Hồ Thúy Uyên (Lộc Trì, Phú Lộc) khi trò chuyện với chúng tôi về hành trình làm bạn cùng con của mình.
Chị Uyên kể: “Mình là giáo viên, công việc rất bận rộn nhưng dù có bận đến đâu, mình vẫn cố gắng sắp xếp để dành cho con thời gian nhiều nhất có thể. Ngay từ lúc 3 tuổi, bé Bảo Nhi đã có những chuyến đi trải nghiệm thú vị cùng mẹ ngoài thiên nhiên”.
Không chỉ ngày cuối tuần, tận dụng được từng khoảnh khắc nhỏ, chị Uyên vẫn dành thời gian để đồng hành cùng con. Ở nơi gần cả núi, sông, đầm phá, biển, bởi thế có rất nhiều cảnh đẹp và hoạt động để chị và con cùng thăm thú, trải nghiệm.
Mới đây, chị cùng con tham gia trekking Vườn Quốc gia Bạch Mã. Chị chia sẻ: “Trên con đường dài tổng cộng 5km di chuyển đến thăm thác Trĩ Sao, hầu hết bé đều tự đi bộ, chỉ những bậc cấp dốc, trơn hay đường nguy hiểm thì mình mới hỗ trợ. Từ chuyến trekking ấy, dù còn nhỏ tuổi, bé đã học hỏi và thỏa mãn trí tò mò với các loài động vật, các loại cây cũng như được gợi mở những kiến thức về bảo vệ môi trường”.
Điều này là vô cùng bổ ích vì theo thói quen hằng ngày, bé Bảo Nhi học và quan sát thông qua những cuốn sách tìm hiểu về thiên nhiên, đời sống gần gũi như cuốn Bách khoa thư larousse - Thiên nhiên kỳ thú, Trên đồng bao la tình bạn chính là..., Cuộc phiêu lưu vĩ đại của Herbier, Ai trốn trong rừng thế nhỉ?... Khi ra ngoài khám phá tự nhiên, những kiến thức mới trở nên sống động và gần gũi đến vậy.
Tuổi thơ hạnh phúc
Tại phường Phước Vĩnh (TP. Huế), chị Bạch Mai (46 tuổi) đang có con trai vào độ tuổi dậy thì, cho biết: “Tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau cũng như từ sự quan sát, dõi theo hành trình con lớn lên, tôi nhận thấy con đang ở độ tuổi dậy thì nên ngày càng muốn thể hiện bản thân, lo lắng về ngoại hình và tâm lý thất thường “sáng nắng, chiều mưa” do hormone. Nếu vội vã, có lẽ tôi đã sai lầm trong cách đồng hành cùng con trong giai đoạn nhạy cảm này”.
Tìm và học nhiều hơn để cùng con vượt qua giai đoạn chuyển tiếp từ một đứa trẻ sang người lớn, chị Mai đã thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con, theo dõi biểu hiện, cảm xúc hàng ngày của con để dễ dàng can thiệp khi con có dấu hiệu khủng hoảng. Nhất là những sự biến đổi của cơ thể như vỡ giọng, chiều cao tăng nhanh, mọc râu.
Chị chia sẻ: “Ngoài trang bị kiến thức về tuổi dậy thì để cho con tự tin hơn, tôi còn hướng con đến các hoạt động thể chất như đạp xe đạp, đánh cầu lông, chăm sóc cho thú cưng. Thông qua các hoạt động, tôi và con dễ dàng trò chuyện với nhau hơn và con cũng để ý, lắng nghe nhiều hơn. Tôi mong muốn những khoảnh khắc này sẽ dìu dắt con qua giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì và mang đến cho cả tôi và con những ký ức vui vẻ, hạnh phúc”.
Nhắn nhủ với các bậc làm cha, làm mẹ, đại diện Hội BVQTE tỉnh, nói thêm: “Gia đình và phụ huynh đóng vai trò cốt yếu trong việc bồi dưỡng tâm hồn cho các bé ngay từ khi còn nhỏ. Bởi thế, việc cần dành nhiều thời gian hơn cho con, nắm bắt được tâm lý và nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng tư duy và cả cảm xúc của con là vô cùng quan trọng. Những hoạt động cùng con khôn lớn, cùng con trưởng thành ấy sẽ là tiền đề quan trọng để trẻ phát triển độc lập, tự tin và vững vàng trong tương lai”.