leftcenterrightdel
 Duy trì thoả thuận ngũ cốc Biển Đen là cách tốt để hạn chế nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên trầm trọng hơn. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN/Vietnam+

Được biết, Liên Hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được thiết lập giữa Nga và Ukraine vào tháng 7/2022 để giúp giảm bớt nguy cơ khiến khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên tồi tệ hơn do xung đột và việc các cảng của Ukraine bị phong toả. Trong đó, Ukraine và Nga nằm trong số các nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét kết nối một công ty con của Ngân hàng Nông nghiệp Nga với mạng thanh toán quốc tế SWIFT để cho phép các giao dịch ngũ cốc và phân bón.

Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres đã đề xuất trong một bức thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Moscow nên cho phép tiếp tục thoả thuận ngũ cốc ở Biển Đen trong vài tháng để EU có thời gian kết nối một công ty con của Ngân hàng Nông nghiệp Nga với SWIFT.

Trong chuyến thăm Brussels mới đây, ông Antonio Guterres cho biết ông vẫn chưa nhận được phản hồi tư Nga. Ông thông tin rằng bức thư của ông gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin có “những đề xuất cụ thể mà tôi hi vọng có thể cho phép chúng ta tìm ra một hướng đi tích cực”.

Người phát ngôn của EU tại Brussels cho biết, ưu tiên của Uỷ ban châu Âu là đảm bảo rằng ngũ cốc của Ukraine có thể tiếp cận thị trường thế giới và kêu gọi tất cả các bên gia hạn thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen.

“Chúng tôi đang hỗ trợ các cuộc đàm phán do Liên Hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu. Tất nhiên, chúng tôi cũng sẵn sàng khám phá tất cả các giải pháp để đóng góp cho mục tiêu, đồng thời tiếp tục đảm bảo rằng xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ bị kiềm chế nhiều nhất có thể”, người phát ngôn chia sẻ.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng vừa thúc giục Nga gia hạn thoả thuận.

Được biết, hơn 32 triệu tấn ngô, lúa mì và các loại ngũ cốc khác đã được Ukraine xuất khẩu theo nội dung thoả thuận này. Liên Hiệp quốc cho biết nước này đã mang lợi ích đến các quốc gia nghèo bằng cách giúp giảm giá lương thực hơn 20% trên toàn cầu.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)