leftcenterrightdel
 Bà con dân tộc thiểu số Tà Ôi đan chiếu. Ảnh: baothuathienhue.vn

Xưa, sợi dứa dại được dùng để làm để đan chiếu sính lễ khi con gái trong nhà đi lấy chồng. Các cặp đôi gần đến ngày cưới thường tìm đến người giỏi nghề đặt hàng. Đồng bào cắt những chiếc lá dứa già từ rừng thành từng bó mang về, lấy dao nhỏ loại bỏ hết những gai nhọn. Sau đó, tước thành những sợi nhỏ phơi khô, vuốt ép cho thẳng nếp để làm sợi dệt chiếu. Chiếu làm từ sợi dứa dại rất bền, mát và mềm mại nên có thể cuốn để mang đi nơi khác hoặc cất giữ.

Chiếu làm từ sợi dứa dại có giá trị tương đương vải Zèng. Hiện nay, có thể tìm đến nhà một vài nghệ nhân hoặc đăng ký trải nghiệm làm loại chiếu này ở homestay Hương Danh (A Roàng, A Lưới). Được biết, nhiều du khách đến trải nghiệm rất thích thú với nghề đan chiếu từ sợi dứa dại. Cũng có người đặt loại chiếu này về dùng. Tín hiệu vui đến khi có người mang một số mẫu mũ, ví, túi xách… đan từ sợi cây dứa dại từ Malaysia ngỏ ý đặt hàng cho Homestay Hương Danh. Một vị khách đến từ Úc đã thử đan vòng và nhẫn, đồng thời gợi ý một số sản phẩm lưu niệm từ loại lá này.

Rõ ràng, không chỉ dùng để đan chiếu hay làm gối, túi đựng cơm hay một số vật dụng thường dùng khác trong sinh hoạt, sợi dứa dại với đặc tính bền và đẹp là nguyên liệu có thể dùng làm các mặt hàng mỹ nghệ phục vụ khách du lịch. Nếu có những sản phẩm hàng thủ công từ sợi cây dứa dại, bà con địa phương sẽ có thêm việc làm ngày nông nhàn. Ngoài góp phần bảo tồn nghề đan chiếu truyền thống, sẽ có thêm nhiều sản phẩm đa dạng hóa phục vụ thị trường du lịch.

Còn nhớ, trong đêm thời trang Magie diễn ra cách đây 10 năm, vào tối 28/4/2013, đảm nhiệm vai trò vedette trong bộ trang phục thổ cẩm dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới, hoa hậu Ngọc Hân đã tỏa sáng với vẻ đẹp rất dung dị của mình. Được biết, sợi cây dứa từ Philippines, tương tự sợi dứa dại hiện có, là nguyên liệu chính để dệt nên tấm áo cô đang mặc trình diễn. Có thể xem, đây là một gợi  ý tuyệt vời cho ý tưởng dùng sợi dứa dại vùng cao tỉnh ta làm chất liệu dệt hàng thổ cẩm và các sản phẩm mỹ nghệ.

Trong khuôn khổ của Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, Viet craft đang cố gắng phục hồi các sản phẩm gắn bó với cuộc sống của đồng bào miền núi từ thời xa xưa. Nghề đan lát thủ công với nguyên liệu tại chỗ cùng kỹ thuật đan đa dạng là một nền tảng tốt cho việc phát triển các sản phẩm mới, góp phần bảo tồn nâng cao giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi. Các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sợi nhựa tổng hợp, được đồng bào tạo ra từ những loài cây cỏ, thảo mộc dồi dào ở núi rừng.

Thiết nghĩ, đó cũng là thuận lợi để khảo sát thử nghiệm, hướng tới việc làm một số sản phẩm hàng thủ công phục vụ du lịch từ sợi cây dứa dại lâu nay vốn chỉ được dùng để đan chiếu sính lễ trong đám cưới truyền thống.

Thục Đan