Một lần đã “khiếp”, thật lạ kỳ!
Nghe kể và đọc nhiều bài viết giới thiệu về Bạch Mã quá hấp dẫn. Hè này từ Tp Hồ Chí Minh về Huế, bạn tôi mang theo cả gia đình, trong đó cháu con gái út mới học xong tiểu học, cả nhà quyết “chinh phục” Bạch Mã một lần cho biết.
Rồi vì không muốn làm phiền “thổ địa”, bạn tôi chủ động thuê xe chở cả gia đình nhắm hướng Cầu Hai- Bạch Mã thẳng tiến. Mua vé xong, và với một ít thức ăn nước uống chuẩn bị sẵn, xe đưa cả gia đình thẳng lên đỉnh. Từ cây số 0, cả nhà hào hứng leo lên Vọng Hải Đài thỏa thuê check-in, ngắm cảnh và đắm mình cùng không khí trong lành, mát mẻ giữa rừng nguyên sinh ở độ cao hơn 1.400m.
Đỉnh Vọng Hải Đài với độ cao 1.450m |
Rời Vọng Hải Đài, áng thời gian sẽ trở lại Huế kịp trong ngày thong thả, bạn kéo cả nhà phăm phăm hướng Ngũ Hồ, Đỗ Quyên để khám phá, cho dù chưa bao giờ đặt chân đến đây và cũng chẳng có hướng dẫn viên dẫn đường. Vậy mà rất tự tin, bạn dặn bác tài đợi ngoài đường chính, còn mình thì sau khi liếc qua cái bảng sơ đồ trên tờ brochure là phăm phăm dẫn đoàn cắt rừng tiến bước. Kết quả tiến bước một hồi thì…lạc. May mà cả đoàn động viên nhau giữ bình tĩnh, lại biết cách sử dụng la bàn có sẵn trên smartphone phối hợp với hội ý đoán định, cuối cùng thì cũng may mắn gặp dược con đường bê tông dẫn ra lộ chính sau nhiều giờ mò mẩm trong rừng sâu với những lối đi cheo leo nguy hiểm, đã thế còn bị một cơn mưa ập tới dập vùi tơi tả. Lần đầu tiên trong đời gặp người mà lại mừng đến thế. Thằng con của anh, cậu học sinh lớp 10 kể lại khoảnh khắc phát hiện được con đường bê tông và bắt gặp vài du khách cùng hướng dẫn viên ở đó; -Mát mẻ và đẹp thiệt, nhưng quá nhiêu khê vất vả. Xin nói lời vĩnh biệt với Bạch Mã…- Một người khác trong đoàn bày tỏ và …dọa sẽ về loan truyền để những người quen “đừng dại” mà đặt chân đến. Tất cả họ thật thà trải lòng với tôi khi trở về từ Bạch Mã. Còn tôi thì biết phải làm gì hơn ngoài méo miệng… cười.
Còn nhớ lần đầu tôi được đặt chân lên Bạch Mã đến nay tính ra đã gần 30 năm. Bạch Mã lúc ấy vẫn đang còn hoang phế, con đường chính dẫn lên vẫn trong giai đoạn thi công, từ chỗ xe dừng, lên đến nơi hạ trại chúng tôi phải cuốc bộ mất gần chục cây số. Một trăm ba chín ngôi biệt thự cổ chưa có một ngôi nào được phục dựng. Để lưu trú, chúng tôi phải tìm một nơi bằng phẳng, bên cạnh dòng suối để hạ trại. Xong thì phân công nhau người vo gạo, kẻ nhặt rau, người kê bếp, kiếm củi… để chuẩn bị bữa tối. Thật vất vả, nhưng vui thì ngoài sức tưởng tượng.
Đường lên Vọng Hải Đài từ cây số 0. |
Sau dạo ấy, tôi lại có nhiều dịp khác nữa tái ngộ non thiêng Bạch Mã, khi với nhóm này, lúc với nhóm khác. Để rồi sau mỗi chuyến đi, trong mỗi người đều đầy ắp những trải nghiệm tích cực, những kỷ niệm thật dễ thương. Chưa nghe ai “chê” mà ngược lại nhiều người còn mong có dịp để lại được về với Bạch Mã thêm nhiều lần nữa. Thế mà lần này, bạn tôi đi một lần đã…khiếp, thật lạ kỳ! Lại thêm tay tài xế, nhân thấy khách của mình “ngán” quá, mới thật thà thêm dầu vào lửa: Bọn tôi đây ở Huế, nhưng ít khi báo cho khách có điểm du lịch Bạch Mã, vì leo mệt, mà còn hại xe nữa (?!).
Tôi có một niềm tin
Nhân đây cũng nhớ dịp trước dịch Covid 19 bùng phát, chúng tôi có chuyến tiền trạm để chuẩn bị cho một sự kiện của cơ quan dự kiến tổ chức tại Bạch Mã. Đang ngồi uống nước ở nhà hàng Chicken thì bắt gặp một đoàn khách Hàn Quốc được lữ hành dẫn lên. Qua quan sát và nghe chuyện trò của khách, biết nhà hàng nơi chúng tôi ngồi là điểm dừng của họ tại Bạch Mã. Nghỉ ngơi tí, mỗi người được nhận một phần ăn, và ăn xong là xuống núi, xem như đã xong chuyện với điểm tham quan Bạch Mã. Nhìn những du khách nữ đang phờ phạc vì vừa phải thử sức với 20 cây số đèo dốc quanh co, chưa kịp lai tỉnh thì sức đâu mà ăn, lại chuẩn bị đối diện chừng ấy cây số quanh co dốc đèo đi xuống. Với họ, khiếp Bạch Mã cũng là lẽ đương nhiên và dễ hiểu. Từ những đoàn như thế, thông tin “tiêu cực” về Bạch Mã sẽ loan ra là điều không thể tránh.
Từ một con đường mòn đơn giản, nay ô tô đã có thể lên đỉnh Bạch Mã. |
“Phải làm gì đó…”, “phải đầu tư cho Bạch Mã…” là điều mà nhiều người đã bày tỏ, mong ước. Cũng đã có không ít người nhìn về những ngọn núi ở nơi này nơi khác, và so sánh sao cũng như thế, như thế mà người ta đầu tư, người ta làm du lịch tốt vậy. Còn Bạch Mã của Huế thì cứ mãi im lìm, cứ mãi “ngủ quên” vân vân và vân vân… Đợt cơ quan chúng tôi tổ chức sự kiện tại Bạch Mã với cả trăm người, trong đó có nhiều nhà báo kỳ cựu trong cả nước, đi nhiều, biết nhiều. Được chạm vào Bạch Mã, nhiều người trong số họ đã thốt lên: Huế giữ được nơi này hay quá, không thì đã tan nát hết như nhiều nơi, bây giờ hối thì đã muộn. Thế mới thấy sự cẩn trọng là không bao giờ thừa. Tiền thì có thể bao giờ cũng có, nhà đầu tư có thể bao giờ cũng sẵn sàng. Song, cảnh quan, thiên nhiên một khi đã tổn hại, đã mất đi thì tìm lại là điều gần như vô vọng. Không biết có phải mình quá bảo thủ, quá lạc hậu không, nhưng tôi vẫn nghĩ, chỉ cần 139 ngôi biệt thự cổ được phục dựng như cũ thôi, đường sá dẫn vào các ngôi biệt thự được xây dựng dễ đi, an toàn và kết nối thông suốt, chỉ vậy thôi, Bạch Mã sẽ là điểm đến “tích hợp” nhiều thứ trong một: di tích lịch sử, du lịch sinh thái, tâm linh, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Một điểm đến với bản sắc, thế mạnh riêng có mà bất kỳ ai cũng sẽ ước ao trải nghiệm.
Bưu điện Bạch Mã- Một trong những công trình xưa đã được phục tạo. |
Tất nhiên, đó có thể là chuyện của tương lai, còn bây giờ, một trong những chuyện tưởng nhỏ, nhưng cần phải làm là làm sao để những đoàn khách được các doanh nghiệp du lịch cho “ghé qua” không chỉ dừng chân tại điểm xe dừng rồi vội vã hạ sơn; làm sao để những đoàn khách tự tổ chức lên núi trong chỉ một khoản thời gian ngắn ngủi trong ngày khỏi bị lạc rừng, muốn khám phá vẫn có thể tìm được điểm cần đến một cách dễ dàng và an toàn…Nói cách khác là làm sao để những đối tượng khách như trên không bị làm cho thất vọng, không thấy “khiếp” để rồi loan truyền tin đồn thất thiệt: “Bạch Mã không có gì đặc biệt để mà đến”, vậy là đã thành công. Còn tương lai, có thể nhanh hoặc chậm, Bạch Mã chắc chắn sẽ khác, sẽ đẳng cấp, hấp dẫn gọi mời nhưng vẫn giữ được cảnh quan và hệ sinh thái đặc hữu. Cho dù người khác có nghĩ thế nào đi nữa, trong tôi vẫn có một niềm tin sắt son như vậy.