Các họa sĩ nhí thích thú với tranh làm từ giấy thải loại |
Tái sinh cho giấy
Là một trong những thành viên sáng lập nên Nhà Cuội, họa sĩ trẻ Thái Vân là người đã nảy ra ý tưởng biến giấy loại thành tranh. Nữ họa sĩ trẻ cho biết: “Không chỉ muốn tạo nên không gian sáng tác đầy cảm hứng, chúng mình còn mong muốn mang đến những trải nghiệm ý nghĩa cho khách tham quan. Ý tưởng làm workshop tranh từ giấy tái chế đã ra đời từ đó”.
Hoạt động làm tranh từ giấy loại đã có từ lâu, đa dạng và thu hút, nhất là ở các nước phương Tây. “Ở Việt Nam, ý tưởng này được triển khai thành nhiều dạng tranh khác nhau như tranh ghép giấy, tranh cắt giấy, điêu khắc giấy. Tuy nhiên, để khách tham quan, nhất là các em nhỏ dễ tiếp cận, mình quyết định lựa chọn tranh đính kết bột giấy để làm workshop”, chị Thái Vân cho biết thêm.
Bức tranh lan tỏa thông điệp sống xanh |
Để hiện thực hóa ý tưởng này, nữ họa sĩ trẻ đã mày mò tìm tòi, học cách xử lý giấy loại, pha màu cũng như kết dính bột giấy để tạo nên những bức tranh đầy màu sắc, bắt mắt. Không thể giữ nguyên hiện trạng giấy thải loại, tất cả giấy tái chế từ sách báo cũ, bìa carton đều sẽ được xử lý trước khi tạo thành tranh.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tiên, đồng sự của nữ họa sĩ Thái Vân cho biết: “Khâu xử lý giấy được chúng tôi thực hiện kỹ để màu sắc của bột giấy lên đồng đều. Trước tiên, giấy sẽ được cắt nhỏ, ngâm với nước, sau đó, phần giấy này sẽ được xay thật nhuyễn để vừa tạo độ mịn, đồng nhất, vừa tẩy được màu mực in. Sau khi xay nhuyễn, giấy sẽ được làm khô đến độ ẩm nhất định, thành phẩm sẽ được phối trộn với màu acrylic và keo sữa theo tỷ lệ phù hợp”.
Những họa sĩ nhí
Làm tranh giấy tái chế đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mẩn vì sau khi pha trộn bột màu và keo sữa, hỗn hợp giấy sẽ trở nên quánh đặc. Lúc này, người thực hiện phải dùng nhíp tách và cố định từng phần bột giấy vào vị trí phù hợp cũng như phối màu để cho ra đời những bức tranh độc đáo.
Hào hứng cùng các bạn hoàn thiện bức tranh những ngôi nhà phố đầy sắc màu tươi tắn, Quỳnh Nhi, 11 tuổi (phường Phước Vĩnh), chia sẻ: “Con rất thích vẽ tranh nhưng đây là lần đầu tiên con tham gia workshop vẽ tranh bằng giấy tái chế. Con rất bất ngờ vì từ những tờ giấy thải loại, giấy bìa cũ, con có thể tạo nên những bức tranh đẹp. Đối với con, những bức tranh này rất ý nghĩa”.
Cũng như Quỳnh Như, đây là lần đầu tiên bé Bảo Anh (10 tuổi) tự tay tạo nên những bức tranh từ giấy thải loại. Tỉ mỉ đắp giấy tạo hình từng ô cửa sổ, Bảo Anh say sưa với công việc của mình. Chị Quỳnh, phụ huynh bé Bảo Anh chia sẻ: “Khi thấy có hoạt động làm tranh từ giấy tái chế, mình đã cho con đăng ký tham gia ngay. Không chỉ vì con yêu thích sắc màu và thích vẽ tranh, mình còn mong muốn bé nhà mình hiểu và yêu môi trường hơn, ngay từ những điều nhỏ nhất”.
Không chỉ phụ huynh bé Bảo Anh, các phụ huynh cho con của mình tham gia workshop đều cảm thấy ý nghĩa và thiết thực khi đã lựa chọn cho các em hoạt động trải nghiệm mới lạ, thú vị này trong dịp hè. Họa sĩ Nguyễn Văn Tiên cho biết thêm: “Ngoài nguyên liệu chính là giấy loại, chúng tôi còn hướng dẫn cho các bé cách tìm những nguyên vật liệu tự nhiên, thân thiện như cành cây, lá khô, đá cuội để phối kết hợp với các bức tranh. Chúng tôi hy vọng rằng, những hoạt động nhỏ này sẽ mang đến những sắc màu và hiểu biết mới mẻ cho các bé”.
Hiện nay, các hoạt động tái chế ngày càng được coi trọng khi tình trạng ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề đáng báo động. Cùng với quần áo, đồ gia dụng, nội thất cũ, những sản phẩm hay đồ trang trí tái chế đều mang lại giá trị kinh tế và gắn liền với bảo vệ môi trường sống. Bởi thế, workshop làm tranh từ giấy tái chế không chỉ là một hoạt động trải nghiệm thủ công đơn thuần, đây còn là nơi gửi gắm những thông điệp của các họa sĩ trẻ đến với khách trải nghiệm, những thông điệp nhằm truyền cảm hứng sống xanh đến với cộng đồng.