Massage của người khiếm thị ngày càng khẳng định thương hiệu |
1. Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số clip về hình ảnh dịch vụ massage của Công ty TNHH MTV Niềm Tin 17- 4 (viết tắt Công ty Niềm Tin 17-4) do nhóm bạn trẻ người Huế đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện, để quảng bá điểm đến cho khách du lịch. Gọi điện hỏi thăm ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, ông khoe, công ty ông đang làm hồ sơ đề nghị được công nhận là cơ sở massage đạt chuẩn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mừng cho ông khi ước mơ đưa nghề massage của người khiếm thị lan rộng khắp khu vực.
Nhớ năm 2008, ý tưởng thành lập cơ sở massage dành cho người khiếm thị của ông Lộc được mọi người ủng hộ. Lúc ấy, cũng chật vật lắm, ông vay vốn ngân hàng, cộng thêm huy động khoảng 20 thành viên trong hội “góp vốn” để đầu tư cơ sở vật chất. Rồi cơ sở hỗ trợ kinh phí để 4 người khiếm thị ra Hà Nội học nghề ở Trường Đông y Tuệ Tĩnh (Hà Nội). Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, bài bản nhưng ròng rã gần hai năm trời, cơ sở massage của người khiếm thị hầu như không có khách ghé thăm.
Ông Lộc vẫn không bỏ cuộc, ông yêu cầu nhân viên phải giữ tinh thần vui vẻ, sáng nào cũng dọn dẹp phòng ốc, không để xuống cấp, xập xệ. Nói vậy thôi nhưng ông thực sự rất lo khi nhân viên ngồi chơi, nợ ngân hàng chồng chất, doanh thu chỉ đủ trả tiền điện. Thời điểm đó, cũng không ít người khiếm thị chán nản “giải nghệ”, quay lại làm tăm, tre, chổi đót. Người khác thì kiên trì về tận nhà khách hàng để massage, nhưng trừ tiền xe còn lại chẳng là bao.
Bằng cách tiếp thị không giống ai, massage người mù miễn phí đã mời gọi mọi người đến thử nghiệm. Lúc ấy, tôi là một trong những người được ông tặng rất nhiều vé massage. Không cầm thì sợ ông giận mà cầm thì ái ngại vô cùng khi đi massage “chùa” cũng chẳng sướng chút nào. Nhưng tôi đã “bé cái nhầm”, đó cũng là một chuỗi chiến dịch quảng bá sản phẩm massage của ông Lộc. Khách đến đông từ vé miễn phí, nhưng bù lại ai cũng trả công cho nhân viên hậu hĩnh. Tiếng lành đồn xa, khách hàng đến với dịch vụ massage của người mù ngày càng nhiều hơn. Ông Lộc đã mạnh dạn mở thêm một cơ sở massage Niềm Tin 2, đóng tại phường Vỹ Dạ, TP. Huế.
2. Không còn là sự ủng hộ cho người yếu thế, massage của người khiếm thị thực sự là nhu cầu của khách hàng, tập trung ở độ tuổi trung niên và người già. Thậm chí, nhiều người đặt mua vé tháng. Nhìn vào nhật ký của cơ sở, đa số khách hàng đều chọn các dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi để chữa các bệnh thông thường như đau cổ vai gáy, cột sống bị tổn thương và dây chằng… Nhưng cũng không ít khách đến massage chỉ để thư giãn sau thời gian làm việc mệt mỏi.
Gần 20 phòng massage lúc nào cũng đầy kín, bình quân mỗi ngày cơ sở đón từ 60 - 80 khách. Nhiều khách sạn ký hợp đồng dài hạn nên người mù có việc làm quanh năm. Câu chuyện của Nguyễn Đức Nhật, nhân viên Công ty Niềm Tin 17-4 khiến tôi nhớ mãi. Rằng, khi được cử về nhà hàng Thủy Biều phục vụ khách du lịch, anh khá lúng túng. Tuy nhiên, anh đã học cấp tốc lớp tiếng Anh giao tiếp qua mạng để đáp ứng nhu cầu của khách nước ngoài. Tay nghề giỏi, lại có ngoại ngữ khiến thu nhập của Nhật tăng lên khi khách hài lòng.
Khi thị trường mở rộng, Công ty Niềm Tin 17-4 có ngay một “bộ quy tắc” khá bài bản. Nghĩa là người khiếm thị được bồi dưỡng các kỹ năng phát triển năng lực quản lý, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, phòng chống quấy rối tình dục trong hành nghề. Cán bộ của công ty được cử đi học những lớp đào tạo do giảng viên nước ngoài đảm nhận.
Tôi vẫn tự hỏi, tại sao nghề massage công nghệ cao hiện xuất hiện tràn lan trên thị trường nhưng massage của người khiếm thị vẫn chiếm ưu thế? Câu trả lời từ nhiều “thượng đế” khiến khách hàng quen thuộc như tôi cảm thấy thỏa mãn. Ấy là đội ngũ nhân viên ở đây có kỹ thuật tốt, giao tiếp lịch thiệp mà giá cả lại phải chăng. Đây cũng chính là “bảo bối” của cơ sở để khẳng định thương hiệu khi họ đều được đào tạo bài bản ở Trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh Hà Nội và Trường cao đẳng Y tế Thừa Thiên Huế. Đáng nói, nhiều em học xong đại học thì ở lại làm nghề massage nên cách tư vấn, tiếp chuyện với khách hàng khá tốt.
3. Làm một phép tính nhẩm, doanh thu dịch vụ massage từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 3,6 tỷ đồng là con số không nhỏ. Bình quân, mỗi người có mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Ai có tay nghề, chịu khó thì lương bổng cao hơn tầm gần 9 triệu. Có rất nhiều người làm cứng tay thì đến làm việc nhiều nơi ở các tour du lịch của Huế, Hà Nội và phục vụ khách du lịch nước ngoài. Từ đó, thương hiệu massage của người khiếm thị vươn xa.
Tôi hỏi chị Nguyễn Thị Thanh, nhân viên lâu năm ở đây về điều kiện sống, chị cười giòn tan. Sau khi trừ các khoản chi phí như BHXH, BHYT một tháng hai vợ chồng cũng nhận được tầm 13 triệu đồng, rứa là quá tốt rồi. Tôi có điều kiện để nuôi con ăn học, ổn định. Tôi tin điều chị Thanh nói, khi Công ty Niềm Tin 17-4 có đến 33 nhân viên, trong đó có đến 28 người khiếm thị. Con số này ngày càng được nâng lên khi có nhiều người muốn gắn bó với nghề massage.
Trong câu chuyện với ông Lộc, tôi vẫn nhận ra một điều, quảng bá cho thương hiệu massage người mù chưa thực sự bài bản, vẫn theo kiểu “tiếng lành đồn xa”. Thế nên, việc làm hồ sơ đề nghị công nhận là cơ sở massage đạt chuẩn châu Á - Thái Bình Dương mở ra nhiều cơ hội về việc làm cho người khiếm thị. Đã đến lúc, nghĩ xa hơn về dịch vụ massage. Menu cho khách hàng chọn cũng phải phong phú hơn, không chỉ là massage thư giãn, chữa bệnh thông thường mà cũng cần nhiều dịch vụ cao cấp đáp ứng mọi lứa tuổi, thành phần. Cơ sở vật chất cũng sẽ phải đầu tư khang trang hơn với nhiều thiết bị mà người khiếm thị có thể điều khiển…
Nghĩ về một ngày massage của người khiếm thị không còn quẩn quanh trên đất Huế, mà thấy ấm lòng.