leftcenterrightdel
 Chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới

Tăng tương tác trong giảng dạy

Từ năm học 2020-2021, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018). Chương trình đã được áp dụng với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Tháng 9 năm nay, chương trình áp dụng với khối 4, 8, 11 và đến năm 2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới. Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song, với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, bỏ độc quyền xuất bản.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, SGK mới vừa thuận lợi trong dạy và học vừa giúp học sinh dễ tiếp nhận kiến thức. Nếu SGK cũ kênh chữ nhiều, kênh hình ít, in ấn chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn người học… thì SGK mới đã đáp ứng tốt yêu cầu mà chương trình mới đưa ra về tổng thể. Kênh hình phát triển cũng giúp giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, có thể tìm kiếm các tư liệu, ngữ liệu để bài giảng phong phú, phù hợp hơn.

Thầy giáo Đoàn Văn Toản, giáo viên môn toán Trường THCS Vinh An, Phú Vang cho rằng, việc chuyển đổi sang SGK mới giúp học sinh và giáo viên có cơ hội tiếp cận những kiến thức mới được cập nhật theo những tri thức khoa học và thực tiễn mới nhất. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh nắm bắt các kiến thức mới và áp dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày. “SGK mới thường hỗ trợ giáo viên cung cấp các hoạt động thực hành, ví dụ minh họa, bài tập thảo luận và bài giảng trực quan. Điều này giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường tính tương tác và hấp dẫn trong quá trình giảng dạy”, thầy Toản nói.

Cô Hồ Thị Phi Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Vĩnh cho hay, SGK mới hay hơn SGK cũ. Việc áp dụng chương trình và SGK mới ở Trường tiểu học Phước Vĩnh khá thuận lợi. Nhà trường được tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị khá đầy đủ phục vụ cho công tác dạy học. Giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình đổi mới SGK nên có ý thức học hỏi. Tất cả các giáo viên đều được tham gia tập huấn, vận dụng khá linh hoạt vào thực tế giảng dạy.

leftcenterrightdel
Sách giáo khoa mới tăng tính tương tác và hấp dẫn với học sinh 

Phù hợp với học sinh

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh được tiến hành theo đúng quy định. Sau 3 năm triển khai chương trình GDPT 2018, những bộ SGK mới đã góp phần nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi trong dạy và học.

UBND tỉnh đã phê duyệt SGK lớp 2, 3, 6, 7, 10 trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ, thời gian phục vụ cho năm học mới. Năm nay, UBND tỉnh cũng vừa ban hành các quyết định về việc phê duyệt danh mục SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11 sử dụng từ năm học 2023-2024. Công tác triển khai lựa chọn SGK được tiến hành nghiêm túc, công khai và minh bạch theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các trường thành lập hội đồng chọn SGK theo hướng dẫn và tiêu chí đã đề ra.

Đánh giá về SGK, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, về chất lượng, nội dung sách giáo khoa GDPT 2018 phù hợp với đối tượng học sinh. Các hoạt động được thiết kế khoa học giúp người học hình thành các năng lực phẩm chất, đạt mục tiêu của chương trình. Kênh hình, kênh chữ trong SGK được thiết kế phù hợp, đẹp mắt, góp phần tạo sự hứng thú, thu hút học sinh tiếp thu kiến thức, hình thành kỹ năng, phát triển năng lực phẩm chất.

Việc phát hành SGK và tài liệu tham khảo trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu của học sinh. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT tổng hợp và cung cấp đầy đủ số lượng học sinh, nhu cầu các trường để phối hợp với các nhà xuất bản chủ động in ấn, phát hành ra thị trường để phụ huynh học sinh mua sắm, đảm bảo cho việc học tập của con em. Sở GD&ĐT cũng công khai thông tin về nhà cung ứng SGK trên địa bàn tỉnh cho các trường học, để các đơn vị chủ động hướng dẫn phụ huynh trong việc mua SGK cho học sinh.

Tuy nhiên, việc thực hiện chọn SGK theo Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT còn gặp một số khó khăn. Ông Tân cho biết: “Có sự chồng chéo trong việc lựa chọn SGK giữa nhà trường và Sở GD&ĐT. Trong trường hợp SGK được trường lựa chọn không nằm trong danh mục các sách do hội đồng chọn sách của Sở GD&ĐT chọn, thì trường phải tổ chức chọn lại, gây mất thời gian”.

Thứ nữa, Bộ GD&ĐT ban hành danh mục SGK hằng năm diễn ra nhiều đợt. Thời gian ban hành danh mục gần với thời gian làm việc hằng năm của các hội đồng lựa chọn cấp tỉnh nên gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn SGK ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Việc cung ứng mẫu phục vụ cho lựa chọn SGK cũng chưa đầy đủ.

Vẫn còn nhiều đầu sách trong một bậc học và giữa các bậc học chưa tạo được sự liên thông trong quá trình giảng dạy và kế thừa SGK giữa các thành viên trong độ tuổi đi học của một gia đình.

Bài, ảnh: MINH HIỀN