leftcenterrightdel
 Nhà thơ Võ Quê

Nhà thơ Võ Quê, nguyên Trưởng khối Báo chí của Tổng hội Sinh viên trước 1975 chia sẻ, thời thanh xuân là những năm tháng sôi nổi khi được hòa mình vào phong trào yêu nước của tuổi trẻ học đường. Huế là một trong những trung tâm khởi phát phong trào đấu tranh của HSSV mạnh mẽ và liên tục, được ví như một ngòi nổ, làm bùng phát phong trào đấu tranh yêu nước ở đô thị.

Năm 1963, khi còn ở tuổi 16, ông Quê đã bắt đầu tham gia phong trào thanh niên HSSV tại Quảng Trị. Mùa thu năm 1968, khi vào Huế học lớp đệ nhất ban C Quốc học Huế, ông tích cực tham gia phong trào đấu tranh của HSSV và đóng vai trò của Trưởng khối Báo chí của Trường Quốc Học.

Trong hồi ức của nhà thơ Võ Quê, năm tháng đã đi qua nhưng với những người đã sống và dấn thân trong phong trào HSSV tranh đấu ở Huế thập niên 60, 70, những năm tháng xuống đường “đấu tranh không ngủ” đó mãi mãi là những hồi ức không thể nào quên. Thế hệ của ông, hình ảnh những cuộc hội thảo, mittinh, tuyệt thực, đêm không ngủ, bãi khóa, xuống đường, đốt xe Mỹ trên đường phố Huế… đòi hòa bình, thống nhất đất nước và những tháng năm ngục tù tại nhà lao Thừa Phủ, Chí Hòa, Côn Đảo… mãi mãi là những hồi ức hào hùng in mãi trong tâm trí.

Phong trào đấu tranh đô thị trước 1975 có nhiều hình thức, như phong trào chống quân sự học đường, chống bắt lính, hát cho đồng bào tôi nghe, đòi cải thiện chế độ lao tù, đòi quyền sống... Đa số phong trào là do Tổng hội Sinh viên Huế lãnh đạo. Giai đoạn từ 1969 - 1972 là thời kỳ phong trào đấu tranh HSSV Huế mạnh nhất và nối kết lực lượng toàn miền Nam, lần đầu tiên có Đại hội Sinh viên học sinh toàn miền Nam tổ chức tại Sài Gòn và Huế. Đó cũng là thời điểm bắt đầu có phong trào hát cho đồng bào tôi nghe, phong trào đòi quyền sống... Thời điểm đó, phong trào bị đàn áp dữ dội. Ngày 30/4/1972, quân địch mở chiến dịch Bình Minh đàn áp phong trào ở Huế, tấn công vào Tổng hội Sinh viên. Phong trào tan rã cho đến khi chúng ta ký hiệp định Paris năm 1973 mới được khôi phục lại. Những người cốt cán của phong trào đều bị bắt như Lê Văn Thuyên - Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế, Bửu Chỉ - Tổng Thư ký Hội Sinh viên sáng tác, Nguyễn Duy Hiền - Đoàn trưởng Đoàn Công tác xã hội sinh viên và còn có nhà thơ Võ Quê - Trưởng khối Báo chí của Tổng hội Sinh viên.

Nhà thơ Võ Quê kể: “Tôi có hai kỷ niệm luôn nhớ mãi. Nhớ nhất là vào năm 1971. Trong đêm, lực lượng của chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ tổ chức đàn áp Tổng hội Sinh viên (ở đường Trương Định bây giờ). Tôi làm phát thanh đến mức hộc máu, ngã trên tay bạn bè rồi được đưa đi bệnh viện. Kỷ niệm đó là một minh chứng hùng hồn cho tình đồng đội, tình bạn thời sinh viên lúc hoạn nạn, luôn sát cánh cùng nhau”.

Kỷ niệm thứ hai là hình ảnh những người bạn tù "sơ sinh" đồng hành cùng nhà thơ Võ Quê trên chiếc tàu HQ 500 của nhà cầm quyền Sài Gòn với 5 ngày 5 đêm lênh đênh trên biển thiếu nước, đói cơm, hôi hám đi từ bến cảng Thuận An ra Côn Đảo năm 1972. Ông kể, chuyến tàu đó có hàng ngàn đồng bào, trong đó có những em bé mới sinh chỉ được vài tháng tuổi. Cũng bởi những hình ảnh đó đọng lại trong tâm trí, nhà thơ Võ Quê đã sáng tác bài thơ “Gởi người bạn tù sơ sinh”, trong đó có 4 câu: “Bé vào tù từ ngày chưa được nằm nôi/ Như chú chuột con đỏ lòm trong tay mẹ/ Ngục tù bắt em sống đời nô lệ/ Mẹ dạy em bài học quê hương”.

Hồi ức về một giai đoạn loạn lạc nhưng hào hùng đi vào thơ của nhà thơ Võ Quê như một cách đấu tranh trên mặt trận tư tưởng. Nhiều tập thơ bắt nguồn từ giai đoạn đó, sau này được in như: “Nhớ ơn cây lúa lúa ơi”, “Thơ một thuở xuống đường”, “Côn Đảo”, “Lục bát Côn Đảo” (thơ song ngữ Việt – Anh) hay kịch thơ “Giọt máu ta một biển hòa bình”…

Đặc biệt, một bài thơ khác của nhà thơ Võ Quê là “Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa!” được ông “thai nghén” trong phong trào đấu tranh sục sôi của sinh viên những năm 1970 đã được tuổi trẻ học đường miền Nam hồi đó rất yêu thích. Bài thơ này đã được chép chuyền tay và đọc trong các cuộc xuống đường, trong giảng đường ở Sài Gòn và ở Huế. Sau khi nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên phổ nhạc, bài thơ càng có sức lan tỏa. Niềm khát vọng hòa bình, tình yêu nước chứa chan và niềm lạc quan cách mạng phơi phới cháy hồng trong trái tim người thanh niên trẻ Võ Quê ngày ấy được thể hiện rất rõ qua những dòng thơ: “Ngày mai trên những chuyến đò/ Có cô con gái học trò sang sông/ Áo bay thơm má em hồng/ Cờ vươn cao ngọn gió/ Thừa Phủ ơi! Thừa Phủ ơi!/ Lòng ta hồng biển lửa!”.

Theo nhà thơ Võ Quê, bây giờ thời bình, khi ngồi lại hồi tưởng, nhìn lại sứ mệnh lịch sử của phong trào HSSV, mới thấy được tinh thần tuổi trẻ, tình yêu quê hương đất nước lớn lao. Lịch sử kháng chiến từ đó cũng ghi nhận sự đóng góp của thanh niên học sinh và phong trào HSSV đã tác động rất lớn đến phong trào giải phóng dân tộc.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC