Chiều 21/7, tại TP. Huế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2023 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tại TP Huế. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, lao động có việc làm tăng hơn 900 nghìn người so với năm trước, đạt hơn 51,2 triệu người. Trong đó ở khu vực thành thị chiếm hơn 19 triệu người.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 913,2 nghìn người, giảm hơn 192 nghìn người so với năm ngoái.

Ông Thanh cũng cho biết thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,5 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,1 triệu đồng/tháng.

Tuy vậy, theo ông Thanh thị trường lao động vẫn đang ẩn chứa nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà sức cầu của các thị trường đối với các mặt hàng chính của Việt Nam suy giảm, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, làm gia tăng số lao động bị mất việc làm.

“Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn”, ông Thanh nói.

Ngoài thông tin trên, 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng 867 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động nữ là 24,51 triệu người, chiếm tỷ lệ 46,86%; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm. Lao động có việc làm tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2023 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người, chiếm 27%, giảm 5,77 điểm % so với năm 2020.

Dù vậy, nhiều tồn tại cũng được chỉ rõ, đó là chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng chậm…

leftcenterrightdel
Người lao động cần được hỗ trợ nhiều hơn trong thời gian tới 

Cần nhiều chính sách hỗ trợ người lao động

Tại hội nghị, Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành đã có tham luận báo cáo kết quả trong 6 tháng đầu năm, đồng thời chỉ rõ các nguyên nhân tác động đến tình hình lao động - việc làm; kiến nghị, đề xuất giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp và người lao động trong thời gian tới…

Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, tiêu dùng giảm khiến nhiều doanh nghiệp sụt giảm từ 40-50% đơn hàng xuất khẩu.

“Nhiều doanh nghiệp kiến nghị xin chậm đóng bảo hiểm xã hội, giảm thuế và xin thêm nhiều chính sách vay ưu đãi”, ông Trung nói.

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Thừa Thiên Huế cũng thông tin về quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, nêu quan điểm về phát nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đó là một phần quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tham luận của Sở LĐ,TB&XH TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai cũng chỉ ro các nguyên nhân tác động đến tình hình lao động - việc làm trong 6 tháng đầu năm 2023, đồng thời kiến nghị - đề xuất các gaiir pháp để hỗ trợ và giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp và người lao động trong thời gian tới.

Tại hội nghị, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ TB&XH, cho biết bộ đang tham mưu trình Chính phủ nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người lao động, người có công trong giai đoạn tới.

Theo ông Dung, mục tiêu trong giai đoạn tới của ngành là tham mưu Trung ương thay đổi, ban hành chính sách mới về chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó chuyển mạnh từ an sinh xã hội sang chính sách xã hội. Chuyển từ chăm lo cho đối tượng yếu thế sang chăm lo cho toàn xã hội, kể cả tầng lớp trung lưu.

Ông Dung cũng nhấn mạnh trong vài ngày tới Bộ sẽ trình Chính phủ sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm ngăn làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần.

“Dự kiến trong vài ngày tới, Bộ sẽ trình Chính phủ để lấy ý kiến chính thức về 5 giải pháp nhằm hạn chế làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần. Sau khi được Chính phủ đồng thuận sẽ nhờ các cơ quan báo chí đăng tải để lấy ý kiến dư luận về việc này”, ông Dung nói.

L.THỌ