Thí sinh cần phân tích điểm chuẩn các năm và phổ điểm thi năm nay để có những lựa chọn ngành xét tuyển phù hợp (Ảnh minh họa) |
Còn thời gian để suy nghĩ
Ngày 18/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Như mọi năm, sau khi biết điểm là thời điểm mà các thí sinh sẽ tiến hành đăng ký tuyển nhiều nhất, dù cổng đăng ký xét tuyển đã mở cách đó gần 10 ngày. Như thế các thí sinh sẽ còn hơn 10 ngày để đăng ký, vì vào cuối ngày 30/7, Bộ GD&ĐT sẽ đóng cổng đăng ký.
Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế cho hay, ở các mùa tuyển sinh trước, nhiều thí sinh điểm cao, nhưng vẫn trượt các nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Có thí sinh đạt 8 - 9 điểm/môn thi mà vẫn không có trường để học. Nguyên nhân một phần do sự chủ quan của thí sinh. Các em chỉ đăng ký nguyện vọng 1 vào trường nào đó mà không đăng ký thêm bất kỳ nguyện vọng nào khác. Nguyên nhân nữa là các thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không hợp lý nên dẫn đến trượt.
Để không rơi vào tình cảnh này, Đại học Huế lưu ý với các thí sinh, việc đầu tiên cần làm là tìm hiểu kỹ thông báo, đề án tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Sau đó, tập trung nghiên cứu chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển… phù hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT mà thí sinh đã đạt được.
TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học Huế cho rằng, thí sinh nên chọn ngành, trường học gần với mức điểm của mình và chọn nhiều phương án khác nhau. Tức là nhiều nguyện vọng xét tuyển, vì mỗi em có “n” nguyện vọng. Thí sinh cần biết lượng sức và không nên chọn những ngành, ở những trường “top” đầu có điểm chuẩn mọi năm cao, trong khi điểm thi lại thấp hơn nhiều. Tránh tư tưởng “ăn may” khi đăng ký.
Trước nhiều thắc mắc của thí sinh gửi đến Bộ phận tư vấn tuyển sinh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế, bộ phận này tư vấn cho các thí sinh rằng, nguyên tắc xét tuyển là khi nguyện vọng 1 đã trúng tuyển thì các nguyện vọng sau sẽ được loại bỏ. Trong trường hợp thí sinh không đủ đạt nguyện vọng 1 thì sẽ xét xuống tiếp nguyện vọng 2, không đạt nguyện vọng 2 sẽ xét xuống nguyện vọng 3… cứ lần lượt cho tới hết danh sách nguyện vọng. Vì vậy, cần có “chiến thuật” là đừng dồn vào một nhóm các nguyện vọng có điểm xét tuyển tương đồng nhau, mà nên phân bố một cách phù hợp để giảm thiểu rủi ro. Thí sinh nên đăng ký theo kiểu “thác nước chảy”, nhóm có điểm chuẩn các năm cao hơn điểm thi của mình một chút, nhóm 2 là nhóm có điểm chuẩn các năm tương đồng với điểm thi và nhóm cuối là nhóm có điểm chuẩn thấp hơn điểm thi của mình.
Nguyễn Hoàng Sơn, phường Tây Lộc chia sẻ, kết quả thi tốt nghiệp THPT của em được 24 điểm, cộng điểm ưu tiên là 24,2 điểm. Mong muốn của em là đăng ký xét tuyển vào Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế. Hiện tại em khá phân vân giữa 3 ngành: Y học dự phòng, Điều dưỡng và Kỹ thuật hình ảnh y học. Em có nhờ thầy cô thì được tư vấn rằng khoảng vài ngày nữa rồi đăng ký vì đến 30 mới hết hạn. Đây là khoảng thời gian để suy nghĩ, nghiên cứu về ngành lựa chọn phù hợp với sở thích và khả năng công việc làm sau này.
Phân tích kỹ phổ điểm
Theo các trường thành viên của Đại học Huế, sau khi có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, tỷ lệ các thí sinh liên hệ để tư vấn các ngành học tăng gấp nhiều lần. Trong đó, nhiều nhất là các trường hợp có điểm thi bằng, hoặc cao hơn và thấp hơn điểm chuẩn năm 2022 từ 0,5 - 1 điểm.
Như em Đặng Hùng Quang thi được 22,9 điểm. Mong muốn của em là xét tuyển vào ngành Logistics của Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế. Điểm chuẩn cho ngành này năm ngoái là 21,5 điểm. Một trường hợp tương tự là Doãn Đạo, em thi được 25,5 điểm và mong muốn đăng ký tuyển sinh vào ngành Sư phạm Lịch sử, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế. Ngành này năm ngoái lấy 25 điểm. Tuy nhiên, Đạo khá lo lắng vì kết quả xét tuyển sớm bằng hình thức học bạ năm nay với ngành này rất cao, lên đến 28,5 điểm.
Qua tìm hiểu nhiều thí sinh sau khi có kết quả điểm thi, nhiều em cho biết không dám đăng ký xét tuyển vào một số trường có điểm chuẩn hàng năm bằng hoặc cao hơn điểm thi đạt được. Các chuyên gia cho rằng, mức điểm chuẩn có thể biến động phụ thuộc vào tỷ lệ cạnh tranh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành học cụ thể. Quá trình xét tuyển có thể có những biến động, nếu thí sinh không đăng ký vào nguyện vọng yêu thích, vì nghĩ rằng quá sức mà điểm của các em lại đạt được mức có thể trúng tuyển, khi đó các em sẽ thấy rất đáng tiếc.
TS. Nguyễn Công Hào phân tích, điểm chuẩn mỗi năm mỗi khác, không có nghĩa điểm chuẩn năm sau sẽ cao hơn năm trước. Việc phân tích số liệu điểm chuẩn của 3 năm gần nhất của ngành và trường thí sinh mong muốn là quan trọng nhất, giúp dự đoán được xu hướng điểm chuẩn. Tuy nhiên, để hạn chế việc sắp xếp nguyện vọng không phù hợp, thí sinh cần cân nhắc mức điểm của mình để đối sánh xem có phù hợp với ngành học, trường học mà mình dự định đăng ký xét tuyển hay không. Hoặc thí sinh có thể chọn những ngành tương tự ở những trường “top” dưới để đăng ký.
Theo hội đồng tuyển sinh Đại học Huế, các thí sinh cũng cần phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 do Bộ GD&ĐT công bố. Dựa vào chênh lệch điểm trung bình năm nay và các năm, rồi kết hợp phân tích điểm chuẩn các năm để có những so sánh khả năng về điểm chuẩn tăng hay giảm.
Chẳng hạn như so sánh phổ điểm các năm 2021, 2022, 2023 cho thấy, phổ điểm khối A năm nay là thấp nhất; số thí sinh đạt điểm cao từ 20,5 điểm trở lên của khối A (toán, lý, hóa) của năm 2023 cũng là thấp nhất. Bên cạnh đó, số thí sinh đạt từ 22 điểm trở lên năm nay giảm 11% so với năm ngoái. Dựa vào các chỉ số này, theo dự đoán của các chuyên gia, điểm chuẩn của khối A năm nay, khả năng nhiều ngành sẽ bằng hoặc thấp hơn so với năm 2022.