Hoạ sĩ Nam Thành Trung, người khởi xướng không gian “Flamink Art space” tại 50 Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế) cho biết:  Đây là cuộc triển lãm thứ ba ở không gian triển lãm này. Cuộc triển lãm đầu tiên của nhóm hoạ sĩ trẻ đã được tổ chức vào mùa xuân năm nay. Đến mùa hè vừa qua, hoạ sĩ Đặng Mậu Triết cũng tổ chức triển lãm “Cửa gió phai” ở “Flamink Art space” rất thành công. Và bây giờ là triển lãm có tên “Flamink Artfair” - cuộc chơi của những hoạ sĩ trẻ.

Đến với “Flamink Artfair”, người xem có thể dễ dàng cảm nhận sự ấm áp, thân thuộc khi tràn ngập phòng tranh là tình yêu quê hương đất nước và những ý niệm về cuộc sống đương đại. Hoạ sĩ Đặng Mậu Triết, với tư cách “khách mời” của “Flamink Artfair” đã đem đến 3 tác phẩm. Hoạ sĩ cho biết các bức “Hoàng hôn đến sớm” 1 và 2, “Hoa rừng” đều vẽ từ cảm xúc từ chuyến đi Tây Nguyên tháng 5 vừa qua. Vẫn là nét vẽ đặc trưng của hoạ sĩ Đặng Mậu Triết, nhưng hình hoạ và sắc màu các tác phẩm tươi mới hơn, diễn tả không gian phóng khoáng của Tây Nguyên.

leftcenterrightdel
 "Hạ Vũ" rực rỡ của họa sĩ Trần Xuân Minh

Thiên nhiên với mùa hạ làm chủ đạo, tràn ngập phòng tranh sắc màu đỏ thắm. Mùa hè hiện lên qua “Hoa hạ” của hoạ sĩ Trần Xuân Minh thể hiện chân dung cô gái trẻ với vòng khăn hoa phượng trên đầu, sống động, cuốn hút, tươi ngời sức trẻ. Cũng họa sĩ Trần Xuân Minh, bức “Hạ vũ” lại thể hiện một cô gái trẻ đang trong vũ điệu mùa hè phóng khoáng, tràn đầy năng lượng. “Chiều buông” của Vũ Duy Tâm là một không gian trừu tượng có sắc cam đỏ của hoàng hôn soi trong màu hoa phượng, trắng của mây trời và nâu của suy tưởng.

“Hoa trong mùa hạ” của Thuỳ Nhiên vẽ hoa quả trên bàn nhưng hoa là những đoá đỏ ối màu mặt trời và cả những quả táo cũng mang màu đỏ của một mùa hè tràn đầy năng lượng. “Tĩnh vật mùa hạ” của Thuỳ Nhiên thể hiện một khung cảnh chiếc bình hoa trên bàn với những cánh hoa đang rơi, mang dáng của sự vui vẻ bởi đã cống hiến cho mùa hè một sự bùng nở.

“Em Miu và quả táo” của Lâm Nguyệt Hà là một tranh tĩnh vật, nhưng không hề tĩnh. Ở đó hiện lên những ngây ngô đáng yêu của em mèo và vẻ tự nhiên của quả trên bàn, bình hoa. “Trà sớm” của tác giả này cũng là một tranh tĩnh vật gợi nhắc khung cảnh quen thuộc của một cuộc trà sớm. Một cái bàn trên có bình hoa, giỏ bánh, vài chiếc cốc, nhưng đặc biệt là lại có một siu bếp nhỏ có ấm nước bên trên.

“Quỳnh và trăng” của Nguyễn Văn Sỹ vẽ một mặt trăng lớn, vàng rực, tiền cảnh là đoá hoa quỳnh đang nở rộ. Cả hoa và trăng cùng hài hoà trong bối cảnh đêm trong của Huế. “Mùa chín 2” của Nguyễn Văn Sỹ thể hiện em bé gái đang vỗ tay vui mừng trước khung cảnh mùa hè có rất nhiều trái quả ngọt lành. “Rong chơi trên biển” của Nguyễn Văn Tùng miêu tả một bãi tắm rất đẹp, có nhiều bóng cây xanh, biển và trời mây tạo nên một chân trời xa lắc…

leftcenterrightdel
Độc đáo nghệ thuật sắp đặt "Li" của họa sĩ Trương Thế Linh 

Di sản Huế cũng hiện lên qua “Vàng son” của Nguyễn Khắc Tài vẽ một chiếc cổng phủ rất đẹp, màu thời gian phủ đầy cổng, phía sau những gốc cây sứ làm nền hiện trên một màu trời quá khứ.

Bên cạnh sắc màu của thiên nhiên, các ý niệm về cuộc sống đương đại cũng được những họa sĩ gửi gắm trong những nét vẽ mang đầy tính suy tư, triết lý. “Cham bóng thời gian” của Trần Xuân Minh vẽ hai bàn chân người trong vòng xoáy và chiếc lá cũng trong vòng xoáy thời gian. Cả thiên nhiên và con người trong vòng xoáy thời gian đều sẽ biến đổi. Con người chỉ có thể tận dụng được thời gian khi làm chủ bản thân. “Ánh trăng” của Vũ Duy Tâm với màu xanh đêm soi rọi các ngóc ngách của cuộc sống, các ngóc ngách nội tâm con người nhưng vẫn tung tẩy tràn ngập một tình yêu giữa cuộc thế.

“Tĩnh tâm” của Nguyễn Ánh Dương là một đoá thiền những cánh sen vàng ẩn hiện, và bên trên là một gương mặt người khép mắt. Đó là một khép mắt cho ta tìm một thoáng bình yên, cõi bình yên không náo động. “Bên thềm cũ 2” của Nam Thành Trung thể hiện một đoá cúc trên nền màu đất nâu thẩm. Kỹ thuật sơn màu khiến những chấm nâu gợi nhắc sự ẩn mật của những ngày đã qua. Những cánh hoa như duềnh lên, như những con sóng lừng bởi quá khứ chưa bào giờ ngủ yên, không bao giờ ngủ yên. “Miền hoan lạc” của Nguyễn An thể hiện cõi hạnh phúc của niềm đam mê, từ chất liệu sơn dầu trên giấy canson.

Không chỉ những bức vẽ, triển lãm còn giới thiệu đến công chúng tác phẩm sắp đặt “Li” của họa sĩ Trương Thế Linh. Họa sĩ chia sẻ: “Li” là khởi đầu được trình hiện bởi các lọ thủy tinh nhỏ chứa Đất” mang đến thông điệp gợi mở. “Thứ bạn thấy ở đây không phải là một tác phẩm Nghệ thuật… hoặc chưa phải là một tác phẩm Nghệ thuật hoàn chỉnh… điều đó tuỳ thuộc vào bạn… “Li” không có nghĩa nhưng “Li” không giới hạn về nghĩa, bạn cũng có thể thêm hay bỏ ký tự để hiểu theo cách bạn muốn. “Li” như một nguyên tố khả thể”.

Ngoài ra, triển lãm còn có những tác phẩm gốm “Men say” của Trịnh Vũ Hiếu, “Chuỗi mầm” của Lê Ngọc Thái đều để lại những ấn tượng mới cho người xem.

Có thể nói, triển lãm “Flamink Artfair” đã giới thiệu đến công chúng một thế hệ nghệ sĩ trẻ, với nhiều góc nhìn hiện đại về thế giới, cuộc sống và những chiêm nghiệm sâu sắc. Những bức tranh, nghệ thuật sắp đặt thật sự khơi mở khá nhiều tiềm năng sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ của Huế.

Bài, ảnh: KHÁNH CHU