Hồi giờ chúng ta nói nhiều đến kinh tế đêm.

Kinh tế là kinh tế chứ làm gì có đêm hay ngày. Hễ cứ tạo ra sản phẩm, tạo ra dịch vụ thì đó là hoạt động kinh tế, bất chấp nó diễn ra trong thời gian nào. Nói kinh tế đêm, có lẽ người ta muốn nói đến các hoạt động dịch vụ thương mại về đêm. Mặc nhiên, hoạt động kinh tế về đêm tự thân nó đã là một nhu cầu. Các phố thương mại về đêm có khi là một thời điểm vàng cho mua sắm. Các tuyến phố ẩm thực cũng vậy. Những người buôn bán, cung cấp dịch vụ, sản phẩm là những người nhạy cảm nhất để tận dụng cơ hội này. Cứ còn khách là họ còn bán cho đến khi nào hết khách mới thôi. Những thành phố sôi động có khi hoạt động kinh tế về đêm là thâu đêm suốt sáng.

leftcenterrightdel
Sản phẩm của Chạn. Ảnh: MC 

Đã như vậy thì đề cập đến kinh tế đêm để làm gì? Người ta muốn nói đến các hoạt động kinh tế về đêm để kích thích nhu cầu tiêu dùng và phục vụ du lịch. Một thành phố du lịch như Huế không thể đi ngủ sớm. Muốn cho người dân thức khuya, du khách thức khuya, vui chơi, thưởng thức… và tiêu tiền thì phải tổ chức các hoạt động kinh tế. Nếu chỉ là chuyện bán mua thì hoạt động này tuyền về kinh tế. Nhưng nếu chúng ta khéo léo đưa vào trong hoạt động kinh tế các yếu tố văn hóa, thì sản phẩm và dịch vụ đưa ra đã có một chất lượng khác – chất lượng cao hơn, thậm chí là cao hơn hẳn.

Lấy vài ví dụ. Kiến trúc, không gian, vật liệu cho kiến trúc, cách bài trí, cách thức phục vụ… đều là những yếu tố tích cực để tạo ra giá trị thẩm mỹ. Vào một không gian đẹp, cuốn hút, tính thẩm mỹ cao, sản phẩm chất lượng cao, chất lượng phục vụ cao… thì người tiêu dùng phải trả tiền cao. Trả tiền cao mà người tiêu dùng hài lòng. Thế mới lấy được nhiều tiền của người tiêu dùng, của du khách. Tất nhiên một thị trường dịch vụ thì có nhiều phân khúc, chứ không chỉ có phân khúc cao cấp. Có những sản phẩm không phải là cao cấp, nhưng biết cách làm thì nó cũng trở thành một sản phẩm được nhiều người chú ý. Tôi lấy làm ngạc nhiên và thích thú khi nhiều du khách hỏi, bún cơm nguội bán ở chỗ nào, chè bột lọc bọc heo quay bán ở chỗ nào? Hai sản phẩm này không phải là sản phẩm cao cấp, thậm chí có thể nói xuất phát điểm là “thấp cấp”. Khởi thủy bún cơm nguội là để phục vụ cho giới bình dân, ăn cho chắc bụng để đi làm. Nhưng  nó chứa đựng cái lạ. Đã lạ rồi mà lại còn ngày càng “nâng cấp” để nó ngon hơn. Có lẽ hai yếu tố này đã tạo sự chú ý đến người sử dụng. Người ở Huế hoặc ai đến Huế cũng muốn thử một lần cho biết, thế là bún cơm nguội trở nên nổi tiếng. Ở Huế không ít quán cơm ngon. Ngay trong mỗi gia đình, các mạ nấu ăn đã ngon, đậm đà và cầu kỳ. Cách nấu này ra tới quán nó ngon thêm cũng không có gì là lạ, tức là tìm một quán cơm ngon ở Huế không khó. Nhưng đến quán cơm Chạn (mới ra đời cách đây không lâu) là phải xếp hàng. Vì sao nó hút khách? Ngon theo lối Huế đã đành, nhưng điều làm cho người ta thích thú chính là cách tạo ra không gian xưa cũ, ấm cúng. Nói kiến trúc, không gian cũng là một yếu tố văn hóa là vậy. Sản phẩm được đặt trong một không gian văn hóa thì nó đã khác với sản phẩm bình thường.

Thế nên, muốn kinh tế đêm phát triển cần thiết phải tạo ra những không gian văn hóa. Các hoạt động kinh tế diễn ra trong không gian ấy sẽ tạo nên những giá trị kinh tế cao hơn. Vì người tiêu dùng thưởng thức sản phẩm không chỉ là vị giác mà còn thị giác, xúc giác, thính giác… Không gian ấy, sản phẩm ấy có sức mời gọi, thúc giục người ta đến để tiêu tiền. Điều này ngoài người dân, DN còn cần đến bàn tay hoạch định của chính quyền. Huế cố gắng tạo ra những giá trị văn hóa (mới) như chỉnh trang đô thị, không gian nghệ thuật, phố đêm, phố đi bộ… chính là tạo ra chất xúc tác để kinh tế đêm phát triển.

Nhưng còn một yếu tố nữa. Muốn kinh tế đêm phát triển thì “kinh tế ngày” cũng phải phát triển. Nói cách khác là bằng nhiều cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó sẽ tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Khi có tiền người dân sẽ gia tăng chi tiêu, tìm đến để thưởng thức các giá trị văn hóa. Như vậy kinh tế cũng phát triển và văn hóa cũng phát triển. Đó cũng là một cách phát triển bền vững.

Nguyên Lê