Mô hình trồng atiso ở Phong Điền cho thu nhập cao |
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhiều năm qua xã Điền Lộc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Điền Lộc là một trong những địa phương của tỉnh sớm cán đích NTM và được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2016.
Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, Điền Lộc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Từ đó huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông nông thôn, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Người dân các khu dân cư tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào đồ án, đề án quy hoạch NTM của xã. Qua đó, tích cực phát triển kinh tế, thực hiện các phần việc do Nhân dân làm, tự nguyện tham gia đóng góp tiền, vật tư, vật liệu, ngày công lao động, hiến đất xây dựng công trình hạ tầng nông thôn.
Chủ tịch UBND xã Điền Lộc, ông Lê Văn Thắng thông tin, tính riêng ba năm nay, xã Điền Lộc vận động Nhân dân hiến đất giải phóng mặt bằng để phục vụ cho dự án xây dựng đường liên xã giai đoạn 1 với diện tích hơn 8.260m2/122 hộ. Nhân dân tự di dời mồ mả bị ảnh hưởng bởi tuyến đường cứu hộ cứu nạn với hơn 500 ngôi mộ và 7 hộ dân di dời đến khu tái định cư để bàn giao, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng thi công công trình. Các ban, ngành, đoàn thể huy động hơn 45 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng NTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân.
Nổi bật trong công tác huy động các nguồn lực, Nhân dân đã phát huy tốt quy chế dân chủ, tự bàn bạc, tự quyết định và huy động ngày công giải phóng mặt bằng, đóng góp xây dựng NTM. Nhiều hộ tự tháo dỡ tường rào để nhường đất làm đường giao thông theo cơ chế đặc thù. Trên các trục đường, ngõ xóm của các thôn đã được thắp sáng bằng điện chiếu sáng do Nhân dân tự đóng góp hơn 1 tỷ đồng và hầu hết các thôn đều có nhà văn hóa đạt chuẩn. Các thôn tự huy động, quyên góp mua sắm trang thiết bị bên trong nhà văn hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân. Các thiết chế văn hóa của làng, xã đều được duy trì. Cổng chào của các xóm được đầu tư xây dựng khang trang, tạo diện mạo mới ở nông thôn.
Sau khi đạt chuẩn NTM, trên cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, xã Điền Lộc tiếp tục xây dựng đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn NTM, hướng tới đạt xã NTM nâng cao. Trong quá trình triển khai thực hiện, xã Điền Lộc xác định tăng thu nhập cho người dân là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Từ đó, khai thác và phát huy thế mạnh sẵn có tại địa phương để phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, gắn với kinh doanh các loại hình dịch vụ.
Chủ tịch UBND xã Phong Sơn, ông Trịnh Xuân Nhân cho rằng, mục tiêu cuối cùng trong xây dựng NTM là hướng tới phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ hàng đầu để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn... Nhiều năm qua, xã Phong Sơn đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Đặc biệt là huy động nguồn lực kinh phí, ngày công, cơ sở vật chất... để xây dựng các công trình, mô hình kinh tế trong xây dựng NTM. Đến nay, xã đã hoàn thành và đạt được 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Đức, để có diện mạo nông thôn Phong Điền hôm nay phải kể đến sự nỗ lực vận động, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu trung tâm các xã theo hướng thành phường; đầu tư các thiết chế văn hóa, điện chiếu sáng, công trình... nâng cao tiêu chí đô thị loại IV. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM, Phong Điền triển khai có hiệu quả quy hoạch chung đô thị, chương trình phát triển đô thị huyện và quy hoạch phân khu, quy hoạch NTM các xã.
Các địa phương huy động, vận động Nhân dân tham gia thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp như đề án chăn nuôi lợn tập trung, đề án phát triển cây ăn quả, đề án kiên cố hóa kênh mương, đề án/chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm, OCOP... Đồng thời, kết hợp thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh việc thực hiện các dự án, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị...