Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thăm gia đình ông Nguyễn Trung Chính, cán bộ tiền khởi nghĩa |
Trời trở gió, những vết thương trong thân hình nhỏ bé của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Lài ngày trước lại nhói đau. Bây giờ, bà không thể nhớ hết những kỷ niệm vào những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chỉ biết rằng đất nước hòa bình, thịnh vượng đã thỏa mong ước của bà.
Vào tuổi đôi mươi bà Nguyễn Thị Lài bán bánh mì, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu… Quá trình tham gia hoạt động cách mạng, nhiều lần bị tù đày, tra tấn. “Nỗi đau thể xác không đau đớn bằng mất đi độc lập, tự do”, bà Lài nói.
Dòng chảy thời gian đã gắn kết các chặng đường lịch sử dân tộc với những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ. Những chiến công oanh liệt của các thế hệ cha anh mãi mãi là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, mãi mãi được khắc ghi vào bia đá sử vàng và là điểm tựa vững bền cho thế hệ mai sau.
Đó có thể là Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Đức Vai, người dân tộc Pa Cô, mang trên mình thương tật, ông là một trong những đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên ở miền Nam được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang; người đã từng vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ, gia đình ông có đến 3 Anh hùng LLVTND, họ là biểu tượng sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn… tấm gương cho sự chiến đấu ngoan cường, mưu lược một thời của dân tộc chúng ta. Hay như thương binh già Lê Thị Vững (phường Thủy Xuân, TP. Huế) dẫu mang nhiều thương tật, bị nhiều lần địch bắt, tù đày nhưng hàng ngày vẫn dạy cháu con một lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thăm, tặng quà các gia đình chính sách ở TP. Huế |
Nhớ ngày Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đến thăm, bà Vững rưng rưng kể câu chuyện thời chiến, lau chùi kỷ vật, bằng khen mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng. “Tôi rất vui mừng khi đất nước ngày càng phát triển; thế hệ trẻ cũng được ăn học đến nơi đến chốn. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước luôn ghi nhớ những chiến công của chúng tôi ngày trước”, bà Vững chia sẻ.
Thời chiến, họ là những người anh hùng chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, trở về quê hương, họ tiếp tục phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, hăng say lao động, làm kinh tế giỏi từ chính đôi tay, đôi chân không còn nguyên vẹn của mình.
Sự hy sinh của các thế hệ cha anh là tượng đài bất tử. Để “không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên” trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong suốt 76 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn: "Các cơ quan, đơn vị, cũng như mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu".
Đồng hành với lịch sử của dân tộc, Thừa Thiên Huế là địa bàn trung kiên, anh dũng, kiên cường trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Toàn tỉnh có 82 tập thể được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 6 tập thể trên địa bàn tỉnh được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, gần 89.000 người có công với cách mạng. Trong đó, có 2.473 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 50 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 457 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 19.000 nghìn liệt sĩ được công nhận, ghi danh; có trên 13.000 thương binh, bệnh binh, hơn 15.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, có trên 4.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ được giải quyết hưởng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước...
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân luôn ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng; phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, công tác chăm sóc và thực hiện chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, đời sống gia đình chính sách ngày càng được nâng lên.
Tri ân những công lao của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh: “Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân toàn tỉnh sẽ quyết tâm, đồng lòng, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thực hiện các giải pháp đột phá, tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đó là sự tri ân lớn nhất đến với những người con ưu tú đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do”, non sông thống nhất, nam bắc một nhà”.