leftcenterrightdel
Chuyên gia Collins Chong Yew Keat, giảng viên Đại học Malaya, Malaysia. Ảnh: Mạnh Tuân/TTXVN  

Từ khi gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 28/7/1995 đến nay, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ASEAN trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến giao lưu nhân dân, thúc đẩy các nỗ lực hội nhập nội khối và sức mạnh tổng hợp của nhiều nước, trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Bên cạnh đó, nhìn ở khía cạnh quan trọng hơn, vai trò của Việt Nam được thể hiện trong mục tiêu đảm bảo sự ổn định, hòa bình ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có khu vực Biển Đông.

Đây là nhận định do ông Collins Chong Yew Keat, chuyên gia về chính sách và đối ngoại thuộc Đại học Malaya của Malaysia đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur.

Theo ông Collins,Việt Nam luôn chủ động tham gia, đóng góp tích cực, có trách nhiệm đối với các hoạt động của ASEAN, được các nước thành viên ghi nhận và đánh giá cao.

Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ các quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002 nhằm ngăn chặn xung đột, xây dựng lòng tin đối với các bên liên quan.

Đối với vấn đề Myanmar, Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á đang nỗ lực và giảm thiểu những nguy cơ bằng các cơ chế hiện có, đặc biệt là ASEAN.

Việt Nam là nước ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và đang là nhân tố cốt lõi, trụ cột quan trọng trong ASEAN, tham gia vào việc thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN khác cả về kinh tế, an ninh quốc phòng nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực.

Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các nước trong khu vực để mang lại lợi ích, sự tiến bộ cho các thành viên ASEAN, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ.

Hiện nay, Việt Nam luôn là một trong những nước đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác, giải quyết các thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt, từ vấn đề Myanmar cho đến Biển Đông, đối phó với đại dịch COVID-19 vừa qua, các vấn đề kinh tế-xã hội và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác.

Ngoài chính trị, ông Collins đánh giá Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển chung của ASEAN, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Đặc biệt, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 2001 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển để thúc đẩy hội nhập ASEAN, trong đó xác định 4 lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và truyền thông, và hội nhập kinh tế khu vực.

Đây là những nội dung rất quan trọng trong việc tạo ra biên giới mới nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN và mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên, tạo ra lớp bảo vệ về mặt thương mại và đầu tư, đồng thời giảm sự phụ thuộc của các thành viên ASEAN vào các nước ngoài khu vực.

Chuyên gia Malaysia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các nước lớn đang tranh giành ảnh hưởng ở khu vực, việc xác định 4 lĩnh vực kinh tế ưu tiên như trên đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế, không chỉ của Việt Nam, Malaysia mà toàn bộ các nước ASEAN.

Với những cam kết và tiềm năng thực hiện trong một số lĩnh vực như kinh tế số, nhân lực, kinh tế xanh, đảm bảo an ninh lương thực, chuỗi cung ứng hay các vấn đề khác, Việt Nam đang có vị thế tốt để trở thành nước đi đầu, thúc đẩy không chỉ lợi ích quốc gia mà còn cả lợi ích và nhu cầu chung của ASEAN.

Ông Collins nhận định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định, hòa bình và lợi ích chung của ASEAN trong thời gian tới. 

Theo TTXVN/Vietnam+