Đạo diễn Lương Đình Dũng |
Ôm 2 dự án phim lớn và vẫn đang dang dở, nay lại công bố dự án phim “khủng” với đề tài rất “xương” là phim lịch sử về nhân vật Nguyễn Trãi, anh thật sự tự tin sẽ triển khai dự án phim này?
“Anh hùng” gợi lại vụ thảm án Lệ Chi Viên có liên quan đến những nhân vật lịch sử tầm cỡ, như: anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tông. Trọng tâm của câu chuyện được lấy mốc năm 1464, sau 22 năm xảy ra vụ thảm án, vua Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi chỉ trong một đêm. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều khi quyết định khởi động dự án phim này. Nó là khát vọng nhưng nó cũng là một thực tế khó khăn ở Việt Nam. Nó khó bởi ở Việt Nam, phim lịch sử chưa thành trào lưu nên gặp cái gì cũng phải bắt đầu và tôi cũng hiểu không có cái gì sẵn có cả. Lý do bản thân tôi đi đến quyết định này, bởi đầu tiên tôi có kinh nghiệm làm phim khá đầy đủ và tôi có một ekip tốt.
Một lý do nữa là tôi có rất nhiều bạn bè trong ngành làm phim trong nước và nước ngoài. Họ đã làm phim và họ đã phải trả giá rất nhiều để mua kinh nghiệm. Tôi mời họ bằng sự trân trọng, họ sẽ tham gia với những gì họ có, nó là tài sản trí tuệ nhiều khi tiền không thể mua được. Ở Việt Nam, người sản xuất phim giỏi không có quá nhiều, nên cũng là một điểm khó và tôi sẽ mời chuyên gia sản xuất phim lịch sử nước ngoài cố vấn cho tôi về sản xuất. Khi thực hiện phim này, tôi sẽ mời một đội ngũ chuyên gia, họ sẽ đến với bộ phim bằng một sự nghiêm túc. Đó cũng là điểm tựa của tôi.
Làm phim lịch sử vấn đề không chỉ nằm ở kinh phí, nhưng nếu không có một nguồn kinh phí lớn thì chẳng thể nào khởi động được dự án?
Làm phim đầu tiên là tiêu rất nhiều kinh phí, tôi luôn nghĩ về điều đó, đặc biệt là khi ở Việt Nam chưa có trường quay. Còn về Anh hùng (Hero and Hero), chúng tôi kỳ vọng được Nhà nước đồng hành trong đầu tư kinh phí. Như vậy, ekip vừa được khuyến khích bằng sự trân trọng, vừa có sự đồng hành trách nhiệm trước một đề tài. Hơn nữa, nó có thể là điểm đầu xuất phát cho rất nhiều nhà làm phim cùng khát vọng làm phim lịch sử. Lịch sử Việt Nam là đề tài vô tận cho tất cả các nhà làm phim. Tôi nghĩ, phim lịch sử khi thành công sẽ mang lại nhiều giá trị không thể đo đếm hết được. Tôi sẽ tìm được nguồn kinh phí để sản xuất bộ phim này.
Tự nhận mình là sở trường phim kinh dị, hành động, những sở trường này có được vận dụng trong bộ phim lịch sử Anh hùng?
Mỗi thể loại đều có độ khó của nó và bất cứ đạo diễn nào cũng đều phải trải qua những cái “bắt đầu” để vượt qua những khó khăn. Ở phim Anh hùng, bối cảnh sẽ phải tạo dựng và rất nhiều vấn đề khác đi kèm như phục trang, thậm chí ngựa là vấn đề không hề đơn giản. Ngược lại, hiện tại công nghệ điện ảnh giờ đây cũng cho phép xử lý kỹ xảo nhanh với ưu thế vượt trội. Nhiều cảnh nếu dùng bối cảnh thật sẽ có chi phí tạo dựng tốn hơn rất nhiều lần so với làm kỹ xảo. Thậm chí, những cảnh đó thì chỉ có kỹ xảo mới thể hiện được ý đồ đạo diễn.
Đạo diễn Lương Đình Dũng đang chỉ đạo một cảnh quay tại hiện trường |
Tuy nhiên, cái khó và mấu chốt của phim lịch sử cần phải tạo ra đầu tiên, là yếu tố cơ bản xuyên suốt đó chính là hào khí của bộ phim và uy nghi của nhân vật. Những yếu tố này cần được thể hiện bằng hình ảnh cụ thể để khán giả chiêm ngưỡng mới là điều cần quan trọng bậc nhất. Và tôi nghĩ, những gì tôi tự tin là sở trường của mình cũng sẽ được tận dụng một cách hợp lý trong dự án phim lịch sử này. Tôi hiểu cách làm thế nào để có một bộ phim sinh động và đúng nghĩa một bộ phim truyện điện ảnh.
Phim lịch sử luôn bị soi rất kỹ. Anh có nghĩ mình quá tự tin với sự khởi đầu này trong khi, chỉ riêng vấn đề trang phục thì các nhà lịch sử cũng chưa hẳn đã có sự đồng nhất về ý kiến?
Làm phim lịch sử đúng là rất mạo hiểm và thử thách. Nhưng nó cho tôi cơ hội để làm nên một tác phẩm tự hào, bởi ẩn chứa trong lịch sử đó là Tổ quốc. Cũng có nhiều người nói rằng, đạo diễn cần phải hiểu lịch sử thì mới làm phim lịch sử được. Tôi thì quan niệm thế này, một chuyên gia lịch sử người ta bỏ ra cả cuộc đời nghiên cứu mới chuyên sâu được. Trong bộ phim có đến vài chục đầu việc quan trọng, nếu đạo diễn cần hiểu được như các chuyên gia ấy thì có khi phải mất hàng trăm năm không xong. Vì thế, hãy mời chuyên gia, đó là cách tốt nhất và thế giới ai cũng làm thế. Còn nhiệm vụ và trách nhiệm của đạo diễn là tập trung tái hiện câu chuyện đó bằng ngôn ngữ điện ảnh một cách xuất sắc nhất.
Không ai sống trong thời kỳ đó để chắc chắn 100% cái gì đúng, cái gì chưa đúng. Chúng ta phải đi theo những gì còn ghi chép lại trong sử sách hoặc từ các nguồn tài liệu khác của các chuyên gia trong mỗi lĩnh vực và thực hiện tốt nhất. Với Anh hùng thì các khâu này chúng tôi coi trọng hàng đầu và mời những chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực đó để thực hiện, vì chúng tôi hiểu những sai sót, dù nhỏ nhất cũng có thể gây ảnh hưởng đến cả bộ phim. Có thể nói, sự kỳ vọng lớn của khán giả khiến tôi cũng áp lực, nhưng nếu không thấy chắc chắn thì tôi không làm.
Với “Anh hùng” mục tiêu doanh thu có được đặt ra?
Bất cứ dự án nào không thành công về kinh phí thì với tôi là một nỗi đau và nỗi buồn không chỉ của riêng mình, mà nó liên quan đến các nhà đầu tư. Vì thế, tôi sẽ tìm cách tiến lên tiếp tục thực hiện các dự án phim để tìm mọi cách bù đắp lại những thiệt hại cho nhà đầu tư khi họ đã vì mình. Tôi im lặng nhưng vô cùng nỗ lực tốc độ. Với Anh hùng, tôi mong có nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ để họ hiểu hơn về lịch sử dân tộc mình.
Xin cảm ơn đạo diễn!