“Lột xác” cho căn nhà |
Là người ngăn nắp, tỉ mỉ, nhưng cứ tầm 3 tháng, chị Mỹ Vân (phường Phước Vĩnh, TP. Huế) vẫn phải sắp xếp lại đồ đạc trong nhà một lần để thay đổi không khí và làm cho nơi ở bớt ngột ngạt. Chị kể: “Không gian chiếm diện tích và dễ bừa bộn nhất trong nhà mình là phòng ngủ và bếp. Trong phòng ngủ hay ở bếp thường mình đã phân loại, chọn lọc và sắp xếp khá kỹ. Nhưng khi nhìn lại, lúc nào mình cũng thấy dôi dư những bộ áo quần hoặc các vật dụng không dùng đến nhưng vẫn chiếm diện tích kha khá trong nhà. Bởi thế sắp xếp lại đồ đạc đã trở thành thói quen giúp mình làm cho nhà cửa thông thoáng, vệ sinh và hợp lý hơn”.
Cùng chung quan điểm với chị Vân, nhưng bạn trẻ Tuyết Trinh lại thường xuyên tỉa tót cho căn nhà của mình bằng cách thay đổi vị trí đồ vật, trang trí và hướng cho không gian ngôi nhà thay đổi phù hợp theo mùa. Cô gái 9X cho biết: “Mình làm nghề quản lý fanpage khá tự do nên thời gian rảnh rỗi và ở nhà nhiều. Để khơi gợi cảm hứng cho công việc cũng như làm cho nơi ở trở nên ấm cúng hơn, mình xem refresh ngôi nhà là một thú vui nho nhỏ giữa cuộc sống bộn bề”.
Refresh nhà cửa chính là thanh lọc, làm tươi, làm mới lại căn nhà vốn đã quen thuộc tới từng ngóc ngách. Trào lưu này nổi lên vào thời điểm đại dịch và với những ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong nó, đồng thời từ hiệu quả tích cực mang đến cho tinh thần, refresh nhà cửa đã trở thành thói quen, sở thích của rất nhiều gia đình.
Làm tươi, làm mới nhà cửa có nhiều lựa chọn khác nhau. Trong đó, tốn công sức và chi phí nhất là cải tạo lại nhà cửa. Theo kiến trúc sư (KTS) Lê Giang, hiện nay, nhiều người lựa chọn cải tạo không gian sống chứ không xây mới, lý do là vì họ muốn lưu dấu một phần kỷ niệm của những năm tháng đã qua đi.
KTS trẻ cho biết: “Đa phần đối với cải tạo nhà cũ, chúng tôi thường tư vấn khách hàng giữ lại phần cốt nhà (móng và khung tường), những bộ phận được xây dựng kỹ lưỡng và bền, chắc. Để cải tạo không gian trước đó, mà đa phần là nhà ống, nhà hộp bí bách, ngoài bố trí lại hệ thống cửa, cải tạo cầu thang, ban công, chúng tôi phải tận dụng tối đa từng diện tích nhỏ mà trước khi làm mới căn nhà những diện tích này đã bị bỏ phí”.
Ngoài đầu tư chi phí cải tạo, “lột xác” cho căn nhà, dễ thực hiện và tiết kiệm chi phí nhất khi làm tươi, làm mới cho ngôi nhà đó là thay đổi phong cách trang trí, thay đổi nội thất và sắp xếp lại đồ đạc của căn nhà theo cách khoa học nhất.
Tuyết Trinh cho biết: “Từ khi bắt đầu vào mùa hè, mình đã thay đổi ga, gối bằng vật liệu thoáng mát. Ngoài ra, mình còn mang thêm cây xanh phù hợp vào phòng ngủ, góc làm việc và một ít cây xanh vào trong bếp để làm dịu mát mắt. Mình thấy cây xanh không chỉ hỗ trợ lọc không khí mà còn giúp căn nhà càng trở nên trong lành, không còn cảm giác ngột ngạt, từ đó giảm đi cái oi nóng của mùa hè”.
Trong khi đó, từ việc sắp xếp lại đồ đạc, phân loại, chọn lọc những vật dụng nào nên giữ và không nên giữ, chị Vân nhận ra mình đã mua quá nhiều đồ dùng không thật sự cần thiết, gây lãng phí. Chị nhìn nhận: “Tôi nghĩ, thanh lọc lại nhà cửa có lẽ cũng chính là thanh lọc lại bản thân mình. Từ đó, tôi hiểu mình hơn, biết căn nhà và tôi cần những gì chứ không còn mua sắm theo cảm hứng”.
Cùng với sắp xếp lại các vật dụng, thay thế đồ trang trí, vật dụng nhỏ hay bổ sung cây xanh, xu thế làm mới căn nhà hiện nay đó là thay thế các vách ngăn phân chia không gian bằng những chiếc kệ hoặc tủ đa năng. Khi loại bỏ những vách ngăn, không gian sẽ bớt phần tù, bí, đồng thời gia tăng thêm diện tích sử dụng và làm cho ngôi nhà thêm phần hiện đại.