leftcenterrightdel
 Tình trạng khô hạn trên một cánh đồng ở tỉnh Suphanburi, Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

“Trường hợp khẩn cấp về thiên tai”

Cụ thể, Báo cáo “Thảm họa châu Á - Thái Bình Dương năm 2023” của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của LHQ (ESCAP) cho thấy, những thiệt hại hàng năm trong tương lai tại khu vực này có thể lên tới gần 1 nghìn tỷ USD, nếu tình trạng ấm lên toàn cầu chạm ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngăn chặn mức tăng nhiệt này là trọng tâm của các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Báo cáo là nghiên cứu hàng đầu của ESCAP về các kiểu thiên tai, tác động của chúng và nỗ lực xây dựng khả năng phục hồi nhanh, được công bố tại Kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, đang được tổ chức từ ngày 25 - 27/7 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Với tình trạng ấm lên tiếp diễn, khu vực này sẽ không thể thích nghi đủ nhanh với biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết như lũ lụt, lốc xoáy nhiệt đới, sóng nhiệt và hạn hán xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn.

“Khi nhiệt độ tiếp tục gia tăng, các điểm nóng thảm họa mới đang nổi lên và những điểm nóng hiện tại đang gia tăng. Một trường hợp khẩn cấp về thiên tai đang diễn ra và chúng ta phải chuyển đổi căn bản cách tiếp cận, nhằm xây dựng khả năng phục hồi nhanh… Khu vực này còn ít cơ hội để tăng cường khả năng phục hồi nhanh”, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký Điều hành ESCAP cho biết trong một thông cáo báo chí.

Châu Á - Thái Bình Dương vốn là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới, và năm 2022 cũng không phải là ngoại lệ. Theo báo cáo nói trên, khoảng 140 thảm họa riêng biệt đã tác động đến khu vực này, khiến hơn 7.500 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến 64 triệu người, và gây thiệt hại kinh tế ước tính vào khoảng 57 tỷ USD.

Tương lai được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn nhiều, với một “khung cảnh rủi ro của các thảm họa phức tạp, hỗn hợp và chồng chất” đang xuất hiện. Do biến đổi khí hậu, sự bất bình đẳng trong khu vực sẽ ngày càng sâu sắc và năng suất kinh tế bị suy giảm.

Chỉ với mức nóng lên 1,5 độ C, 85% dân số của khu vực này sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nguy hiểm, điều này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lương thực và an ninh năng lượng.

Các mục tiêu thích ứng

Trong năm nay, ESCAP nhắm mục tiêu vào “sự thích ứng mang tính chuyển đổi”, để bảo vệ tốt hơn các hộ gia đình và sinh kế dễ bị tổn thương ở những điểm nóng dễ xảy ra thiên tai. Cơ quan này cũng dự kiến sẽ thông qua một chiến lược khu vực, nhằm đưa các dịch vụ cảnh báo sớm vào hoạt động cho tất cả mọi người vào năm 2027, phù hợp với cam kết của Tổng Thư ký LHQ.

Theo đó, việc tăng cường các giải pháp dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn như bảo vệ và củng cố các khu rừng ngập mặn và các rạn san hô, cũng như cải thiện những hệ thống cảnh báo sớm và bảo vệ xã hội mạnh mẽ hơn đối với các thành viên dễ bị tổn thương trong xã hội được xem là những lĩnh vực chính để các Chính phủ và các bên liên quan chú trọng.

Báo cáo của ESCAP cho thấy, các hệ thống cảnh báo nói trên để bảo vệ những ngành công nghiệp quan trọng cụ thể, bao gồm nông nghiệp và năng lượng, có thể làm giảm tới 60% thiệt hại do thiên tai. Qua đó, báo cáo kêu gọi đầu tư khẩn cấp vào các hệ thống để xác định rõ hơn những điểm nóng rủi ro, những nhóm dân số có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất bởi thảm họa trong tương lai, đồng thời đưa ra các kế hoạch hành động sớm.

Việc xây dựng một tương lai kiên cường, được gọi là “sự thích ứng mang tính chuyển đổi” trong báo cáo này có chi phí rất lớn, ở mức 144,74 tỷ USD trên toàn khu vực, và đối với khu vực Đông Nam Á là gần 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh, chi phí của việc không hành động sẽ còn cao hơn nhiều.

Được biết, vấn đề “tổn thất và thiệt hại”, một quan điểm cho rằng các quốc gia phát triển chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu cần cung cấp hỗ trợ tài chính cho những quốc gia chịu tác động tồi tệ nhất, vẫn được ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc tế và các cơ chế tài trợ đang được đàm phán, có thể hỗ trợ một số khoản thiếu hụt ngân sách ứng phó với khí hậu.

Bên cạnh đó, việc khai thác đổi mới sáng tạo cũng được lưu ý. Các công nghệ mới và đang phát triển, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn…, đóng một vai trò quan trọng.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tờ UN News, bà Armida Salsiah Alisjahbana cho rằng, những công nghệ này “rất quan trọng và mang tính chiến lược” để giảm thiểu rủi ro thiên tai, xây dựng khả năng phục hồi nhanh và tăng cường hành động khí hậu. “Những công nghệ này có thể nâng cao hiểu biết của chúng ta về các kiểu thảm họa, đưa ra cảnh báo sớm cho tất cả mọi người, đồng thời hỗ trợ việc ra quyết định”, Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký Điều hành ESCAP khẳng định.

Lê Thảo

(Lược dịch từ CNA, UN News & Unescap)