Tái cơ cấu nền kinh tế sẽ là trọng tâm chính để đưa Malaysia trở thành quốc gia dẫn đầu về kinh tế ở châu Á. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo Bernama, quốc gia này đặt mục tiêu đạt được vị trí này bằng cách tập trung vào khu vực hóa và khả năng cạnh tranh cao hơn, ưu tiên nâng cao chuỗi giá trị và chỉ số phức tạp kinh tế (ECI) - một thước đo tổng thể về khả năng sản xuất của một thành phố, khu vực hoặc quốc gia.
Phát biểu tại buổi ra mắt chính sách kinh tế được gọi là Khuôn khổ Kinh tế Madani: Trao quyền cho người dân ngày 27/7, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết tái cơ cấu nền kinh tế sẽ là trọng tâm chính để đưa Malaysia trở thành quốc gia dẫn đầu về kinh tế ở châu Á.
Thủ tướng Anwar, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Malaysia, lưu ý rằng để hiện thực hóa mục tiêu, nước này phải phát triển hội nhập kinh tế mạnh mẽ hơn với các nước láng giềng, đặc biệt là khi thế giới đang đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
“Do đó, chúng ta cần tạo ra nhiều công ty địa phương có tính cạnh tranh cao hơn để thâm nhập thị trường Đông Nam Á”, Thủ tướng Bernama khẳng định.
“Ví dụ, ngoại giao thương mại và các thỏa thuận chiến lược có thể mở rộng hội nhập thị trường song phương và đa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa, vốn, nguồn nhân lực và chia sẻ công nghệ với các nước láng giềng”, ông cho biết.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anwar cũng cảnh báo về tình hình nợ hiện tại của quốc gia này. Dữ liệu tháng 1/2023 cho thấy nợ quốc gia của Malaysia đã lên tới 1.500 tỷ RM (350 tỷ USD), tăng mạnh so với mức 1.045 tỷ RM vào cuối tháng 6/2022 - tương ứng với 63,8% GDP của Malaysia vào thời điểm đó.
Do vậy, nhà lãnh đạo Malaysia cho rằng nếu không có cải cách, quốc gia này sẽ phải đối mặt với “một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của đất nước”.
Cũng theo trang Bernama, bên cạnh việc định vị Malaysia là một trong 30 nền kinh tế lớn hàng đầu, Khuôn khổ Kinh tế Madani cũng đặt ra 6 tiêu chuẩn trung hạn khác cần đạt được trong vòng 10 năm tới, bao gồm lọt vào top 12 của Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, top 25 về Chỉ số Phát triển con người, top 25 về Chỉ số nhận thức tham nhũng và đạt được sự bền vững về tài khóa với mức thâm hụt tài khóa từ 3% trở xuống.
Đồng thời, khuôn khổ Kinh tế này cũng nhằm mục đích nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động lên 60% và lương thưởng cho người lao động đạt 45% GDP.
Được biết vào ngày 24/2, Thủ tướng Anwar đã lần đầu tiên đưa ra ngân sách mở rộng trị giá 388,1 tỷ RM. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử của đất nước, vượt qua con số 322,1 tỷ RM được lập cho ngân sách năm 2022 dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob.