leftcenterrightdel
Mỏ đá vôi Phong Xuân (Phong Điền) đang tiến hành khai thác 

Theo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, thời gian trước đây, khoảng vài chục hộ dân khu vực cầu cây Mưng (Phong Xuân, Phong Điền), phía đê bao số 2, bị ảnh hưởng bởi công tác nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá vôi Phong Xuân.

Thỉnh thoảng công tác nổ mìn có bụi bay, đá văng ra đê... làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, công ty đã tiến hành hỗ trợ khắc phục. Từ năm 2022 đến nay, hướng khai thác mỏ đá đã phát triển ra gần đê bao số 3, ra xa khu vực dân cư phía cầu Cây Mưng, nên mức độ ảnh hưởng đến người dân ở đây đã giảm rất nhiều.

Ông Phạm Văn Bằng, Giám đốc điều hành mỏ đá vôi Phong Xuân cho biết, ngày từ đầu năm 2020, trước yêu cầu của người dân và được sự thống nhất của chính quyền địa phương, công ty đã phối hợp với chính quyền và người dân thành lập tổ giám sát nổ mìn cộng đồng.

Tổ gồm thành viên là cán bộ xã, đại diện người dân lân cận mỏ và cán bộ Đồng Lâm, tổ thực hiện giám sát tất cả hoạt động khoan nổ mìn, và lập biên bản xác nhận tình trạng nổ mìn có gây ảnh hưởng khói bụi tới người dân hay không. Từ năm 2020 đến nay, hoạt động khai thác vẫn diễn ra bình thường tại mỏ đá và tổ giám sát đã xác nhận không có tình trạng bụi bay ra khu vực mỏ, ảnh hưởng đến nhà dân.

Thời gian qua Đồng Lâm đã duy trì thực hiện đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân khu vực ảnh hưởng. Cụ thể, hỗ trợ tiền khói bụi, tiếng ồn hàng tháng cho các hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 300m xung quanh đê bao số 2 mỏ đá vôi với mức 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ BHYT cho các hộ dân lân cận xung quanh đê bao số 2 mỏ đá vôi, trong phạm vi 300m (các hộ có hộ khẩu thường trú tại thôn Điền Lộc và Xuân Lộc) với mức 805.000 đồng/người/năm (theo giá trị mua thẻ BHYT hàng năm).

Ngoài ra, Đồng Lâm còn hỗ trợ ngừng sản xuất, canh tác đồng ruộng trong phạm vi 200m xung quanh khu vực mỏ đá vôi theo mức 2.000.000 đồng/sào/năm đối với đất trồng lúa, hoa màu hàng năm và mức 1.200.000 đồng/sào/năm đối với đất trồng keo, tràm (tương đường 120.000.000 đồng/ha/5 năm); hỗ trợ chi phí tổ giám sát nổ mìn cho một đại diện người dân và một đại diện cán bộ xã với mức 5.000.000 đồng/tháng…

Song song với đó là giải pháp kỹ thuật trong công tác nổ mìn khai thác cũng được Đồng Lâm triển khai tại Phong Xuân. Đơn vị khai thác mỏ Tân Việt Bắc đã thực hiện nổ mìn với khối lượng mìn mỗi lần nổ đều dưới mức cho phép (cho phép nổ đến 3 tấn nhưng Tân Việt Bắc chỉ nổ khoảng 1,5 tấn, tối đa là 2 tấn) và kết quả đo rung chấn nổ mìn được Sở Công thương chủ trì đo đạc cho kết quả rất thấp, mức rung chấn không quá 50% so với Quy chuẩn Việt Nam. Tuy vậy, Đồng Lâm vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân sửa chữa khắc phục các rạn nứt nhà cửa, công trình ngay khi có thông tin về nhà dân bị rạn nứt.

Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Đồng Lâm thông tin, hiện tất cả các máy khoan thực hiện khoan lỗ mìn đều được lắp đặt hệ thống hút bụi và thực hiện nghiêm túc công tác tưới nước vào lỗ khoan để giảm thiểu bụi tối đa lượng bụi phát sinh trong quá trình khoan lỗ mìn.

Nhà thầu khai thác Tân Việt Bắc đã giảm lượng thuốc nổ cho mỗi bãi nổ để giảm thiểu tối đa rung chấn nổ mìn. Cụ thể, tất cả các bãi nổ trên tầng -10 chỉ nổ tối đa 1.500 kg/bãi thay vì quy định 3.000 kg/bãi; với các tầng -20, -30 gần dân cư chỉ nổ tối đa 2.000 kg/bãi thay vì cho phép nổ 3.000 kg/bãi.

Sử dụng phương pháp nổ mìn tiên tiến nhất hiện nay là phương pháp “nổ mìn vi sai phí điện” để giảm thiếu rung chấn nổ mìn. Chỉ thực hiện dùng búa đập thủy lực để phá đá quá cỡ (không sử dụng nổ mìn lỗ khoan nhỏ để phá đá quá cỡ như các nơi khác).

Bên cạnh đó, tiến hành thông báo cho chính quyền và người dân về kế hoạch nổ mìn tại mỏ đá trước một ngày để chính quyền và người dân nắm. Khi nổ mìn cần lựa chọn thời điểm hướng gió cho phù hợp để giảm thiếu bụi bay về hướng có nhà cửa, đồng ruộng của dân. Nếu buổi trưa mà chưa nổ được mìn vì điều kiện gió lớn thì chuyển sang buổi chiều. Trường hợp buổi chiều vẫn có gió lớn thì nhà thầu khai thác Tân Việt Bắc phải đi thông báo tới các hộ dân, chính quyền xã, thôn để xin tiến hành nổ mìn trong điều kiện bất khả kháng trước khi thực hiện nổ mìn.

Công ty cũng đã thành lập tổ giám sát nổ mìn, thành phần bao gồm đại diện UBND xã Phong Xuân, người dân và đại diện Đồng Lâm để thực hiện việc giám sát quá trình nổ mìn tại mỏ đá. Nếu để khói bụi bay ra dân cư sẽ xử phạt nhà thầu 10.000.000 đồng/lần (chi phí này gửi về cho chính quyền địa phương để chi trả hỗ trợ thêm cho các hộ dân bị ảnh hưởng).

Tích cực phối hợp với chính quyền

Theo đánh giá của Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, công tác phối hợp với chính quyền địa phương cơ sở, đoàn thể… nhằm xử lý những kiến nghị của người dân xung quanh việc nổ mìn hiện nay các bên phối hợp hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời và hài hòa quyền lợi của các bên. Cụ thể, đối với công tác hỗ trợ sửa chữa rạn nứt nhà dân, công ty đã phối hợp UBND xã khảo sát và hỗ trợ sửa chữa định kỳ; đối với công tác hỗ trợ khác, UBND xã lập danh sách và chi phí, Đồng Lâm tiến hành hỗ trợ trong vòng 15-20 ngày; đối với các sự việc phát sinh mới, khi có kiến nghị, phản ánh của người dân, Đồng Lâm phối hợp với đại diện UBND xã kiểm tra, ghi nhận hiện trạng. Căn cứ vào biên bản hiện trạng, tình trạng thực tế các ảnh hưởng (nếu có) Đồng Lâm sẽ tiến hành hỗ trợ người dân khắc phục, xử lý.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN