leftcenterrightdel
Vận hành sản xuất tại xưởng cơ khí Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng).  

Theo dự báo, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong những tháng còn lại năm 2023 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn. Song, với sự điều hành, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sản xuất công nghiệp về cuối năm sẽ có sự khởi sắc.

Không còn vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng

Thời điểm này hằng năm thường là cao điểm sản xuất hàng mùa đông của doanh nghiệp da giày, dệt may, nhưng thực tế hiện nay, doanh nghiệp ở nhiều địa phương đều trong tình trạng sản xuất cầm chừng.

Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội Phạm Hồng Việt chia sẻ, các doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn khi lượng đơn hàng giảm từ 50-70%; cá biệt có doanh nghiệp đã hoàn toàn cạn đơn hàng để duy trì sản xuất. Trong khi đó, thông tin từ bên ngoài vẫn chưa cho thấy tín hiệu tích cực, doanh nghiệp đang rất bối rối, không biết phải định hình cho hoạt động các quý cuối năm như thế nào. Với ngành may, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, tình trạng đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún đã kéo dài suốt từ quý IV/2022 đến nay và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Có doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động, giờ lại phải nhận những đơn hàng lẻ từ 500-1.000 chiếc áo jacket. Một số doanh nghiệp thậm chí còn phải nhận đơn hàng không đúng “sở trường”: Chuyên hàng quần lại nhận đơn hàng áo, chuyên dệt thoi lại chuyển sang làm dệt kim và ngược lại. Đơn hàng nhỏ lại làm “trái tay”, doanh nghiệp phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị, đào tạo thêm tay nghề cho công nhân,… dẫn đến lỗ về chi phí, nhưng nếu không nhận đơn sẽ mất khách hàng cũng như không có việc làm cho công nhân.

Sáu tháng đầu năm, kinh tế thế giới tiếp tục biến động khó lường, lạm phát dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm hàng hóa từ thông thường đến xa xỉ, nhất là tại một số thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU),… khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.

Theo Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử,… phụ thuộc khá nhiều vào cầu từ nước ngoài. Mặc dù doanh nghiệp đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh hàng tồn và tìm kiếm thị trường mới, nhưng hoạt động sản xuất vẫn đang ở mức thấp.

Theo Bộ Công thương, thị trường trong nước duy trì được tốc độ tăng trưởng khá (do giá tăng là chủ yếu), nhưng mức tăng liên tục giảm dần qua các tháng cho thấy tiêu dùng trong nước ngày càng thu hẹp do thu nhập sụt giảm. Sức mua trong nước vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất; sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng ảnh hưởng đến tiêu dùng sản phẩm xa xỉ (như ô-tô) và đến cả sản phẩm tiêu dùng thông thường (như dệt may, giày dép,…).

Vì vậy, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực trong sáu tháng qua đã giảm sâu so cùng kỳ như: Điện thoại di động giảm 19,2%; ô-tô và thép thanh, thép góc cùng giảm 18,2%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; linh kiện điện thoại giảm 5,4%; xi-măng giảm 3,9%; xe máy giảm 3,5%;…

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm chỉ tăng 0,44% so cùng kỳ năm 2021 (mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2023), chỉ đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm, không còn giữ được vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường

Để lấy lại đà tăng cho sản xuất công nghiệp, nhiệm vụ cấp bách là hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt qua khó khăn trước mắt để dần ổn định và chờ cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân kiến nghị cần giải quyết ngay câu chuyện vốn vay đang nóng lên từng ngày; thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể ban hành một nghị quyết trao thẩm quyền đủ mạnh cho Tổ công tác để giải quyết các vấn đề cấp bách đang vướng mắc, đồng thời thúc đẩy khả năng phản ứng chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực các cấp quản lý trong công tác chỉ đạo điều hành, nhất là ở cấp địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 470/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh mức lãi suất điều hành. Hiện tại, về cơ bản lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần:

Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so cuối năm 2022). Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để hạ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy các gói kích cầu. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để chia sẻ, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời đưa ra chính sách tháo gỡ.

Theo Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh đàm phán các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, nhất là ở những nơi mà trước đây chưa có khả năng thâm nhập sâu như FTA giữa Việt Nam-Israel (VIFTA) hay FTA giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)...

Theo Nhân Dân điện tử