Người dân có các cung đường đạp xe an toàn, đẹp, gần gũi với thiên nhiên Ảnh: MC |
Năm 2023, số lượng xe đạp tiêu thụ hàng năm của Việt Nam là 2,31 triệu xe tương đương với 2,3% trên dân số, dự báo đến 2027 số lượng xe đạp tiêu thụ đạt 2,49 triệu xe. Theo thống kê, 10 nước có tỷ lệ sở hữu xe đap cao nhất trên thế giới thì nước thấp nhất có tỷ lệ 37,2% (Trung Quốc) và nước có tỷ lệ cao nhất là Hà Lan (99,1%). Với dân số xấp xỉ 100 triệu dân và tỷ lệ sở hữu xe đạp tiềm năng sẽ tạo một ngành kinh tế sôi động, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và hạnh phúc của người dân.
Một trong những khó khăn lớn nhất của các địa phương là làm sao để quy hoạch cơ sở hạ tầng theo hướng khuyến khích xe đạp, xe đạp điện và xe máy điện. Bên cạnh đó, việc thuyết phục người dân chuyển đổi từ thói quen sử dụng xe máy sang xe máy điện, xe đạp cũng là một thách thức.Về điểm này, Huế lại có nhiều lợi thế khi là một trong những tỉnh, thành có bước đầu tương đối thành công trong việc hình thành một thành phố xe đạp có nét tương đồng với các thành phố xe đạp trên thế giới.
Trong những năm qua, với sự nỗ lực từ quan điểm đến hành động xuyên suốt, TP. Huế đã hình thành cơ sở hạ tầng giao thông dành cho xe đạp bài bản. Người dân có các cung đường đạp xe an toàn, đẹp, chan hòa với thiên nhiên; các cuộc thi đạp xe chuyên nghiệp và phong trào thu hút đông đảo thành phần tham gia; người dân đã sở hữu xe đạp nhiều hơn, văn hóa đạp xe cũng đang dần hình thành trong cộng đồng dân cư Huế. Với mục tiêu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng xanh, bền vững, Huế đang lan tỏa phương tiện xe đạp qua ngành du lịch với các mô hình xe đạp với du lịch sinh thái, du lịch tham quan văn hóa, du lịch cộng đồng. Điều đó tạo ra một nét đặc trưng về du lịch Huế với hình ảnh thân thiện môi trường, quan tâm đến sức khỏe, tinh thần, góp phần bảo vệ môi trường lành mạnh.
Ở một khía cạnh khác về kinh tế, tương tự như với ngành sản xuất xe gắn máy, xe đạp cũng có nhà sản xuất, nhà phân phối linh kiện, phụ kiện, nhà bảo hành, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phụ kiện, thợ sửa xe, thời trang,… Với tiềm năng về nhu cầu xe đạp và tần suất sử dụng xe đạp trong hoạt động thể thao, đi làm, du lịch thì Huế là thị trường giàu tiềm năng của các nhà sản xuất xe đạp, nhà phân phối xe đạp. Do đó, Huế có thể tận dụng lợi thế đó để thu hút các nhà đầu tư để trở thành một địa phương có hệ sinh thái tổng thể về: Nghiên cứu thiết kế, sản xuất, phân phối xe đạp, phụ tùng, phụ kiện, bảo dưỡng sửa chữa xe, trang trí xe, thời trang… Từ đó, hình ảnh Huế - thành phố xe đạp lan tỏa sang các ngành kinh tế khác như du lịch, giao thông vận tải xanh giúp gia tăng giá trị kinh tế. Ngoài ra, người dân Huế còn được hưởng lợi gia tăng cơ hội việc làm, nâng cao sinh kế.