Dự án cầu vượt sông Hương đang được đẩy nhanh tiến độ |
Giải ngân xếp thứ 16/63 tỉnh thành
Số liệu công khai giải ngân tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao của toàn quốc. Theo đó, Thừa Thiên Huế xếp thứ 16/63 tỉnh, thành và 20/114 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Với số vốn đầu tư lớn tăng khoảng 38% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 2.200 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021, nhiều dự án lớn có khối lượng đền bù, di dời dân cư rất lớn thì đây là một kết quả đáng ghi nhận.
Trong đó, dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương là 1 điển hình. Dù chỉ mới khởi công vào cuối tháng 12/2022 song dự án có tiến độ thi công khá tốt. Hiện, công trình đã thi công hoàn thành cọc nhồi mố A1, trụ P2 và đang thi công cọc nhồi trụ P1, P3; chuẩn bị thi công bệ mố M1, các hạng mục công trình phần dưới chân cầu. Dù công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa đảm bảo với cam kết, song với sự vào cuộc của chính quyền và các cơ quan liên quan, sự đồng hành của người dân hứa hẹn dự án sẽ hoàn thành theo tiến độ đề ra. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc và giảm tải cho các tuyến qua trung tâm TP. Huế; tạo động lực phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía tây thành phố cũng như nâng cao đời sống dân sinh.
Một số dự án có nguồn vốn đầu tư công khác cũng đẩy tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, tạo động lực thực hiện mục tiêu sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm là 5.578 tỷ đồng. Tính đến thời điểm ngày 12/7/2023, tỷ lệ giải ngân là 2.457 tỷ đồng/5.758 tỷ đồng, đạt 42,7% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) có tỷ lệ giải ngân đạt 53,44%, đứng thứ 3/63 tỉnh thành; vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 39,3%, đứng thứ 21/63 tỉnh thành; vốn ngân sách Trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân 92/411 tỷ đồng, đạt 22,5% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 88/ 367 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch; vốn ODA giải ngân 224/684 tỷ đồng, đạt 32,7% kế hoạch. Ngoài ra, trên cơ sở nguồn vượt thu ngân sách tỉnh năm 2022 và các nguồn bổ sung từ ngân sách Trung ương, năm 2023, tỉnh cũng đã giao 1.393 tỷ đồng bổ sung vào kế hoạch đầu tư công.
Theo đánh giá từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, dù gặp nhiều khó khăn song với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn cao so với mặt bằng toàn quốc. Trong đó phải kể đến hiệu quả của các tổ công tác do lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng và các giám đốc sở làm thành viên. Các tổ này đã phát huy được vai trò đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Ngoài ra, việc áp dụng phần mềm quản lý đầu tư công cũng bước đầu mang lại nhiều tác động tích cực, giúp chủ đầu tư kịp thời báo cáo tình hình thực hiện dự án, tiến độ giải ngân; phản ánh các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ, xử lý. Các sở, ngành chuyên môn cũng đã thực hiện nhiều giải pháp rút ngắn tối thiểu 30% thời gian thẩm định các thủ tục dự án đầu tư công, tạo điều kiện tối đa để các chủ đầu tư hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Các dự án giao thông đang được đẩy nhanh tiến độ |
Đến tháng 9 sẽ giải ngân đạt 65%
Dự kiến đến tháng 9, tỉnh sẽ giải ngân kế hoạch vốn giao từ đầu năm là 3.743 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch và đến hết ngày 31/1/2024 sẽ giải ngân cả năm kế hoạch vốn giao từ đầu năm là 5.643 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch.
Để thực hiện được kế hoạch này, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đia phương và chủ đầu tư triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm 2023. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Các địa phương và chủ đầu tư tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường, rà soát để phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý theo thẩm quyền. Chủ đầu tư lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường phối hợp với các địa phương, không đẩy hoàn toàn trách nhiệm giải phóng mặt bằng về phía địa phương, phải có phương án hỗ trợ cụ thể với địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án đang triển khai trên địa bàn TP. Huế. Đồng thời, người đứng đầu các địa phương, chủ tịch UBND cấp huyện phải xem công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu các dự án đầu tư công triển khai trên địa bàn do mình quản lý bị chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Các sở, ngành chuyên môn tiếp tục đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án, đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật còn 2/3 thời gian theo quy định, tạo điều kiện tối đa giải quyết thủ tục cho các chủ đầu tư và tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.