leftcenterrightdel
Xu hướng đào tạo đại học ngày càng đổi mới, đáp ứng nhu cầu người học 

Mô hình hướng đến

Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay, mô hình đại học định hướng ĐMST đang được nhiều trường đại học hướng đến. Sản phẩm giáo dục đại học phải là những sinh viên có tinh thần và năng lực khởi nghiệp, làm nên của cải vật chất. Xu hướng đổi mới giáo dục đại học của thế giới chú trọng vào tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm là các doanh nghiệp không chỉ vừa và nhỏ mà phải là doanh nghiệp mới, doanh nghiệp lớn và tự làm chủ.

Thế giới đang tiếp cận “đại học thế hệ thứ 3”. Khởi nghiệp ĐMST, trực tiếp khai phá tri thức, biến giá trị nằm trên giấy thành của cải vật chất và tạo xúc tác cho nền kinh tế của các quốc gia. Đây cũng là con đường tất yếu cho các đại học tự chủ ở Việt Nam nói chung và Đại học Huế nói riêng.

PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, năm 2016, Chính phủ đã ban hành quyết định về khung trình độ Quốc gia cho giáo dục đại học. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành thêm kế hoạch thực hiện khung trình độ Quốc gia đối với giáo dục đại học giai đoạn 2020 – 2025. Mục đích là rất cụ thể: Xây dựng, phê duyệt chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong giáo dục đại học; đổi mới hoạt động đào tạo gắn với bảo đảm, nâng cao chất lượng của giáo dục đại học; thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước trong khu vực và trên thế giới; tạo ra cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Trong đó, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo nhằm phát huy tối đa ĐMST đặc biệt được chú trọng. Đó là yêu cầu tối thiểu đối với một chương trình đào tạo thuộc một ngành cụ thể phù hợp khung chương trình đào tạo. Cơ sở để cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định, ban hành và đánh giá chương trình đào tạo bảo đảm chất lượng. Làm căn cứ để các cơ sở đào tạo thực hiện công nhận lẫn nhau giữa các chương trình. Đó cũng là căn cứ để các tổ chức kiểm định chất lượng đánh giá ngoài và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra và các bên liên quan giám sát hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo.

Trên thực tế, việc xây dựng khung chương trình theo hướng ĐMST gặp không ít thách thức. Trước hết là sự thiếu tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng chuẩn. Nhiều đơn vị chưa nhận thức đúng về chuẩn chương trình đào tạo và ít khi kiểm định chất lượng. Các dự thảo về chuẩn chương trình chưa thể hiện đầy đủ và rõ nét đặc trưng của khối ngành, như chuẩn đầu vào, đội ngũ giảng viên, thực hành, thực tập…

Triển khai nhiều giải pháp

Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, ĐMST trong đào tạo là nhằm gia tăng giá trị cho người học, nâng chất lượng đào tạo, bắt kịp với xu hướng phát triển.

“Đại học Huế sẽ lấy khoa học, công nghệ và ĐMST là giá trị cốt lõi trong mọi hoạt động. Ưu tiên lựa chọn, phát triển các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn để tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ chủ lực, sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Đại học Huế. Kiến tạo và chuyển giao tri thức phục vụ sự phát triển của cộng đồng bằng việc liên tục phát triển các hướng nghiên cứu mới, khoa học liên ngành, liên lĩnh vực, đặc biệt là kết hợp chặt chẽ nghiên cứu liên ngành để phục vụ xã hội”, PGS.TS. Lê Anh Phương thông tin.

Từ những định hướng đó, Đại học Huế cho biết sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ đạt tiêu chí của đại học ĐMST. Thiết lập được hệ sinh thái nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát huy uy tín học thuật, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái ĐMST đáp ứng với những yêu cầu phát triển mới; trong đó tập trung hoàn thiện mô hình quản trị đại học, xây dựng một đại học thông minh, ĐMST bằng việc áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt có tính đột phá để thúc đẩy các yếu tố đổi mới sáng tạo ở Đại học Huế.

Một giải pháp mà theo các chuyên gia Đại học Huế phải triển khai hiệu quả là lấy việc phát hiện, bồi dưỡng và phát triển nhân tài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Kết hợp đào tạo các lĩnh vực mới, liên ngành, tích hợp, phát huy truyền thống đào tạo khoa học cơ bản, kết hợp khoa học cơ bản với khoa học ứng dụng, phát triển các lĩnh vực mới. Tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành, thu hút đội ngũ nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia các hoạt động ĐMST ở Đại học Huế với nhiều cơ chế, chính sách đột phá.

GS. Martin Valcke Đại học Gent, Vương quốc Bỉ góp ý giải pháp cho Đại học Huế rằng, chúng ta đang ở trong thời đại công nghiệp 4.0 thì giáo dục cũng phải tương thích với sự phát triển của xã hội. Để giáo dục đạt được 4.0, mô hình mới của giáo dục đại học phải tập trung vào các yếu tố: Sự hợp tác với xã hội, với các bên liên quan, giáo dục phải đồng hành cùng sự phát triển của xã hội. Xác định đúng khung năng lực cho các trường đại học để sinh viên ra trường sẵn sàng bước vào thế giới việc làm, đạt được các năng lực quan trọng. Yếu tố cuối cùng là đầu ra của trường đại học, đó chính là xuất bản, các loại hình xuất bản và chất lượng đầu ra, tính mới và ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội, đối với phát triển chính sách…

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG