Môi trường làm việc chưa đảm bảo là một trong những lý do các cơ sở sản xuất giấy bị xử phạt hành chính |
Mới đây, ông Trương Đình D. (TDP 12, phường Thủy Phương) phản ánh các cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất bao bì, giấy, bìa giấy ở CCN Thủy Phương xả nước thải, khói bụi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân sống trong khu vực.
Không riêng ông D. mà mới đây chúng tôi tìm hiểu thực tế tại CCN Thủy Phương thì nhiều người dân ở TDP 9 và 10 ở phường Thủy Phương cũng phản ảnh tình trạng ô nhiễm trên đã kéo dài hơn 10 năm nay. Năm này qua năm khác, các cơ sở, DN sản xuất giấy, bìa giấy… thường xả khói, nước thải đen xì ra môi trường, nước bẩn bốc lên mùi hôi xuôi theo khe suối Cầu Đôi qua vùng dân cư rồi chạy thẳng ra hồ Châu Sơn. Đáng lo, hồ chứa nước Châu Sơn có nhiệm vụ điều tiết nước, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của hàng ngàn hộ dân ở 2 phường Thủy Phương và Thủy Châu (TX. Hương Thủy).
Ông Võ Đình Q. (TDP 9, Thủy Phương) bức xúc: “Không hiểu sao tình trạng ô nhiễm môi trường do CCN Thủy Phương gây ra đã trở thành điệp khúc năm này qua năm khác. Người dân đã phản ánh, kiến nghị với các ban ngành chức năng từ cấp cơ sở đến tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Nhật Quang, Trưởng phòng Kinh tế (TX. Hương Thủy) thừa nhận, đến thời điểm này, CCN Thủy Phương chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, nhiều cơ sở, DN sản xuất giấy, bìa giấy hình thành từ những năm 2003, 2004… với công nghệ lạc hậu, xả thải trực tiếp ra môi trường làm ảnh hưởng đến việc canh tác, sản xuất…
Khi đề cập đến việc quản lý, ông Quang chia sẻ, do sự chồng chéo bất cập, TX. Hương Thủy chỉ là đơn vị phối hợp trong quản lý vấn đề môi trường tại CCN Thủy Phương nên chỉ kiến nghị ban, ngành tỉnh sớm có giải quyết, xử lý.
Tìm hiểu được biết, vào năm 2020, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thanh, kiểm tra và chỉ ra, các đơn vị, DN sản xuất tại CCN Thủy Phương chưa bố trí kho lưu trữ và có báo cáo định kỳ về chất thải nguy hại. Riêng chất thải rắn như nylon, vải phế liệu, cặn thải… được đổ trực tiếp trên nền đất. Có những DN không trình được hợp đồng chuyển giao chất thải rắn công nghiệp cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý.
Tại thời điểm thanh tra, Tổng cục Môi trường đã phát hiện ba cơ sở tái chế giấy, gồm: Công ty TNHH MTV sản xuất giấy Huy Tiến, Công ty TNHH Trọng Vương, Công ty TNHH Hà Xuyên không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường. Các cơ sở này chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải; các chỉ tiêu thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật…
Kết luận thanh tra dịp này, Tổng cục Môi trường đã yêu cầu các cơ sở, DN sản xuất giấy, bìa giấy khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất và chỉ được phép hoạt động trở lại khi các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường cho phép vận hành thử nghiệm theo đúng quy định tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, qua theo dõi việc khắc phục sai phạm các cơ sở, DN đến thời điểm này, các đơn vị, DN sản xuất giấy, bìa giấy đã chấp hành nộp đủ số tiền phạt tại các Quyết định vi phạm hành chính làm ô nhiễm môi trường; tuy nhiên vẫn chưa nộp các hồ sơ về môi trường để cơ quan có thẩm quyền xem xét thẩm định, phê duyệt theo các Kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường.
Theo đó, các cơ sở, DN sản xuất giấy, bìa giấy tại CCN Thủy Phương đến thời điểm này vẫn nằm trong “án” dừng sản xuất để khắc phục về môi trường. Tuy nhiên mới đây có mặt tại CCN Thủy Phương chúng tôi vẫn thấy cơ sở, DN này vẫn hoạt động. Phải chăng đó là hành vi xem thường các quy định, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN Thủy Phương hiện nay đang là điểm nóng mà dư luận quan tâm. Các cơ sở, DN sản xuất giấy, bìa giấy nói trên như những con sâu làm rầu nồi canh, làm ảnh hưởng CCN Thủy Phương và cả bức tranh chung về sản xuất công nghiệp ở Thừa Thiên Huế cần sớm giải quyết, xử lý dứt điểm.