leftcenterrightdel
Du khách nghe giới thiệu về hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn tại Nhan Hương quán, một điểm đến trong tour “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn”.  

Không đơn thuần chỉ là tham quan các địa danh cách mạng, tìm hiểu điểm đến lịch sử, du lịch về nguồn còn chứa đựng nhiều ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, cung cấp thông tin thực tế, sống động về lịch sử, văn hóa, mang ý nghĩa giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ.

Đáng chú ý, nếu trước đây, đối tượng của du lịch về nguồn chủ yếu là các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình cách mạng, hay các tổ chức đoàn thanh niên, học sinh tới học tập, tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, thì vài năm gần đây, nhiều tour du lịch về nguồn đã thu hút đông du khách trẻ tuổi. Đó là nhờ một số địa phương, điểm đến, doanh nghiệp đã nỗ lực đổi mới trong cách xây dựng nội dung sản phẩm.

Tiêu biểu trong số đó phải kể tới tour “Đêm thiêng liêng” tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) hấp dẫn đông đảo khách du lịch trong, ngoài nước thời gian qua. Được thiết kế theo những chủ đề khác nhau như “Sống như những đóa hoa” hay “Lửa thanh xuân”, tour du lịch tập trung tôn vinh những chiến sĩ, nữ tù cách mạng đã chiến đấu anh dũng ở Nhà tù Hỏa Lò và những anh hùng trẻ tuổi gắn với những câu chuyện lịch sử có thật được diễn tả lại chân thực, sinh động.

Ấn tượng không kém là tour “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn” đang được nhiều hãng lữ hành khai thác. Hành trình đưa du khách đến với các điểm tham quan ở Thành phố Hồ Chí Minh như: Di tích Hộp thư bí mật và Hầm nổi, Hầm chứa vũ khí biệt động Sài Gòn, Bia tưởng niệm chiến sĩ biệt động Sài Gòn phía sau Dinh Độc Lập, Bảo tàng tình báo biệt động Sài Gòn... để từ đó hiểu hơn về những hy sinh, chiến công của các chiến sĩ biệt động xưa.

Phát huy tính liên kết giữa các địa phương, nhiều hãng lữ hành, điểm đến còn xây dựng các tour du lịch dài ngày kết hợp tham quan các điểm di tích cách mạng với các điểm du lịch sinh thái, văn hóa như “Khám phá Quốc lộ 279”, “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ”, “Tình đất đỏ miền Đông”...

Ngay trong tháng 7 này, Flamingo Redtours cũng đã giới thiệu tới du khách bộ sản phẩm “Thăm lại chiến trường xưa” với nhiều tour kết nối Quảng Bình-Quảng Trị-cầu Hiền Lương-sông Bến Hải-địa đạo Vĩnh Mốc-biển Cửa Tùng (bốn ngày); hay Quảng Trị-địa đạo Vĩnh Mốc-Thành cổ Quảng Trị-Nghĩa trang Trường Sơn (năm ngày)... Trong đó, đặc biệt nhất là sản phẩm mới đưa du khách qua ba nước Đông Dương Việt Nam, Lào, Thái Lan với hành trình Xiêng Khoảng-Viêng Chăn-Nakhon Phanom-Udon Thani, những nơi in đậm dấu ấn về tài thao lược, ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vun đắp tình cảm hữu nghị với các nước bạn.

Đại diện Flamingo Redtours cho biết, để hành trình về nguồn thêm sống động, các tour đều được lồng ghép thêm những hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, cảnh quan điểm đến như: khám phá động Phong Nha, đồi cát Quang Phú, khải hoàn môn Patuxai, cánh đồng Chum (Lào), chiêm bái cầu bình an tại chùa ở Thái Lan...

Dù đã có những khởi sắc nhưng theo các chuyên gia, du lịch về nguồn ở nước ta nhìn chung vẫn chưa phát triển xứng tiềm năng, nhất là chưa phát huy được lợi thế gắn kết với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa để cùng phát triển. Đơn cử, từng là căn cứ địa lớn nhất của cách mạng Việt Nam thời kỳ cao trào kháng Nhật, cứu nước và chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, nhưng vùng Chiến khu Việt Bắc vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong phát triển loại hình du lịch về nguồn mang tính thế mạnh của vùng.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay: Phần lớn các “địa chỉ đỏ” mới đang ở dạng đầu tư ban đầu hoặc dạng tiềm năng, số lượng các điểm dịch vụ du lịch, các điểm vui chơi, giải trí đi kèm còn ít. Một số điểm di tích được tôn tạo với mục đích tưởng niệm là chính, cho nên thường chỉ là điểm phụ trợ trên tuyến hành trình của du khách chứ không có khả năng hút khách, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cho loại hình du lịch này ở địa phương chưa hiệu quả, nhất là đối với các thị trường quốc tế, dẫn đến lượng khách nước ngoài đến những địa danh lịch sử cách mạng rất thấp.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp lữ hành không mấy mặn mà khi tổ chức các tour du lịch về nguồn vì cơ sở vật chất của điểm đến còn yếu, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm du lịch nghèo nàn, nhân lực phục vụ chưa chuyên nghiệp, hướng dẫn viên toàn tuyến tại các điểm hiểu biết còn hạn chế về điểm đến. Bên cạnh đó, việc phân loại thị trường du lịch, liên kết, xây dựng chương trình tour... để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, không trùng lặp cũng chưa tốt, khiến du lịch về nguồn phát triển còn rời rạc, thiếu sự hoàn thiện trong kết nối tour, tuyến trên lãnh thổ.

Do đó, để tạo động lực cho du lịch về nguồn phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự điều tra theo vùng để rà soát tổng thể, đánh giá hiện trạng các di tích lịch sử cách mạng, từ đó có kế hoạch trùng tu, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tạo cơ sở cho việc liên kết xây dựng tour, tuyến.

Theo PGS, TS Trần Đức Thanh, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong các giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chính là liên kết: liên kết giữa du lịch và ngành văn hóa để định hướng khai thác các giá trị văn hóa cụ thể của di tích lịch sử cách mạng; liên kết giữa các điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng sản phẩm, kết nối thị trường khách; liên kết nội vùng giữa các điểm đến để tạo thành các chương trình du lịch chuyên biệt cho học sinh, sinh viên, quân nhân, cho cán bộ, đảng viên...; liên kết giữa các điểm tham quan di sản với các hoạt động văn hóa địa phương, giao lưu với người dân địa phương, đặc biệt là với già làng, trưởng bản, những nhân chứng sống có những kỷ niệm liên quan các di tích lịch sử cách mạng để làm tăng sự hấp dẫn của các chương trình du lịch di sản. Đây cũng là cách để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng trở nên bền vững.

Theo PGS, TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch Trường đại học Văn hóa Hà Nội, điều quan trọng là cần tạo được sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch giữa các địa phương có tài nguyên đồng dạng, giúp tạo ấn tượng mạnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, từ đó kéo dài thời gian lưu trú, tăng tính liên kết, tạo thương hiệu riêng cho từng địa phương và toàn vùng.

Để tăng tính hấp dẫn cho hành trình du lịch tới hệ thống di tích lịch sử cách mạng, cần tổ chức các hoạt động giúp cho du khách không cảm thấy đơn điệu như các sự kiện văn hóa, lễ hội, những dịch vụ bổ trợ có dấu ấn tại điểm đến. Mỗi di tích có đặc trưng, câu chuyện lịch sử, sự kiện và nhân vật riêng, vì vậy cần xây dựng các chương trình tham quan phù hợp, lồng ghép các hoạt động vui chơi giải trí mang tính trí tuệ, trải nghiệm hoặc vận động tập thể theo đội, nhóm, phù hợp các đối tượng tham gia, thông qua đó truyền tải các kiến thức, thông điệp mà di tích muốn thể hiện.

Theo Nhân Dân điện tử