Theo dõi sự sinh trưởng của thiên niên kiện dưới tán rừng nguyên sinh A Roàng |
Theo chân chị Hồ Thị Sần, Ban quản lý rừng cộng đồng A Roàng (A Lưới), chúng tôi trèo lên đồi cao kiểm tra dược liệu định kỳ. Tại khu vực này năm 2020, 64 hộ dân xã A Roàng chung tay trồng khoảng 2ha thiên niên kiện và gừng gió. Đây là hai loại cây có sẵn trong tự nhiên, sinh trưởng bên dưới tán rừng được gây trồng vừa góp phần giữ đất vừa đảm bảo nguồn dược liệu luôn sinh sôi. Hai loại cây này ít tốn công chăm sóc, đầu tư như các loại khác.
Chị Hồ Thị Sần kể: “Các thành viên trong cộng đồng chăm sóc, luân phiên kiểm tra vùng rừng trồng và thông tin cho nhóm. Khi khai thác, một phần cây sẽ được giữ lại trồng vụ mới chứ không khai thác hoàn toàn. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con lợi ích của việc trồng dược liệu. Sau khi thu hoạch, bà con sẽ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Thiên niên kiện và gừng gió là những dược liệu quý trong tự nhiên. Công ty Liên Minh Xanh sẽ thu mua nguồn dược liệu này phục vụ cho việc chưng cất tinh dầu và cao xoa hỗ trợ điều trị các bệnh về cơ, xương khớp.
Tại xã Quảng Nhâm, ngoài sâm Bố Chính, mới đây, người dân còn trồng thêm cây cà gai leo - loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh gân xương, chữa phong thấp, giải rượu, chữa bệnh lý về gan... Toàn xã có gần 10ha loại cây dược liệu này với khoảng 25 hộ tham gia.
Được địa phương khuyến khích, nhiều hộ bỏ những cây trồng kém năng suất để chuyển sang trồng dược liệu. Hộ anh Hồ Văn Bình trồng một sào cà gai leo thay thế diện tích chuối đã thoái hóa. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cây phát triển tốt, anh khá hào hứng theo dõi chờ ngày thu hoạch. “Khi chăm sóc loại cây này có chút vất vả vì cà gai leo là cây bụi và có gai. Cà gai leo được thu hoạch và sử dụng phần cành, lá và rễ, thu hái quanh năm. Với giá bán 30 nghìn đồng/kg khô, hy vọng loại cây này sẽ là cây sinh kế mới cho bà con mình”, anh Bình nói.
Theo ông Nguyễn Tiến, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Nhâm, được hỗ trợ cây giống và một phần phân bón, ký kết thu mua, cà gai leo đang được trồng thử nghiệm năm nay và sẽ cho thu hoạch trong vài tháng nữa. Nếu duy trì đầu ra ổn định thì cây dược liệu này sẽ mang lại giá trị cao.
Các kết quả phân tích, nghiên cứu trước đây cho thấy, vùng đất A Lưới phù hợp với một số cây dược liệu: Cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, ba kích, nhân trần, sa nhân tím, sâm Bố Chính, thiên niên kiện… A Lưới hiện có 20ha trồng dược liệu gồm sâm Bố Chính, thiên niên kiện, cà gai leo, hương nhu…
Chính quyền địa phương quy hoạch 360ha vùng trồng dược liệu tại Quảng Nhâm, A Roàng, Hồng Bắc theo kế hoạch phát triển dược liệu giai đoạn 2021-2025. UBND huyện cũng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư dự án cây dược liệu thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đang xét hồ sơ để chọn ra một doanh nghiệp có năng lực tham gia thực hiện dự án. Dự án trồng cây dược liệu quý giai đoạn 2021-2023 có tổng kinh phí đầu tư 229 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 68 tỷ đồng, còn lại là vốn vay và các nguồn huy động khác.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới khẳng định: “Phát triển dược liệu là một chủ trương lớn, tỉnh và huyện ban hành nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này. Trong đó, người dân và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành dự án phát triển vùng dược liệu cho A Lưới”.
Đây là một quyết sách mang chiến lược trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Không bao lâu nữa, A Lưới sẽ trở thành vùng trồng dược liệu quý, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả.