Thầy Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội dành nhiều tâm huyết cho học sinh |
Lớp học đặc biệt
Sau Tết Nguyên đán, Trường THPT Gia Hội rà soát lại học lực của toàn bộ học sinh khối lớp 12, tập hợp danh sách những học sinh có học lực và hạnh kiểm chưa tốt để có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tháng 3, một lớp học đặc biệt luyện thi cho những học sinh này được đích thân Hiệu trưởng Lê Triều Sơn thành lập và làm chủ nhiệm. “Mấy mươi học sinh này nếu không được quan tâm bồi dưỡng chắc chắn sẽ rớt tốt nghiệp, vì nhiều em đi học “bữa đực, bữa cái”, lấy đâu ra kiến thức mà thi. Nếu muốn các em đi học, đừng để các em tự ti và tách mình ra khỏi trường lớp”, thầy Sơn trăn trở khi thành lập lớp học.
Lớp học được đặt tên “Đội thầy Sơn”, ban đầu gồm 45 em, sau đó tăng lên 61 em. Nhiều em không nằm trong danh sách, nhưng chưa tự tin với kiến thức của mình cũng xin vào học. Buổi sáng, các em đến lớp bình thường, chiều theo học ở lớp đặc biệt. Thầy, cô đứng lớp là những giáo viên kỳ cựu, nhiệt tình và tận tâm. Học phí cũng rất “mềm”, 450.000 đồng mỗi tháng cho sáu môn học cả tuần. Em nào hoàn cảnh khó khăn, nhắn tin riêng với thầy sẽ được miễn phí. Thầy Sơn lập 2 nhóm zalo, “Nhóm thầy Sơn” dành cho phụ huynh và “Đội thầy Sơn” dành cho học sinh để thường xuyên trao đổi, nhắc nhở. Trước khi mở lớp, nhà trường cũng tổ chức cuộc họp với phụ huynh.
Buổi học đầu tiên, thầy Sơn trình chiếu dòng chữ: “Chào mừng các em về với đội thầy Sơn”, rồi xốc tinh thần, tạo niềm tin cho các em: “Thầy biết các em đang lo vì “rỗng” trong đầu nhưng mà không sao, năm ngoái thầy cũng tổ chức lớp học như vậy và các anh chị đỗ tốt nghiệp hết”. Thầy mua vở về tự tay phát cho các em và dặn: “Cuốn vở này sau này là kỷ niệm của thời làm học sinh đội thầy Sơn”.
Thầy Sơn cùng các nam sinh của “Đội thầy Sơn” |
Sau 4 tuần đầu ròng rã, các em bắt đầu đi vào nề nếp. Vài tháng sau, cả lớp tiến bộ rất nhanh. Cuối tháng 5, khi tổ chức thi thử lần 2, nhiều học sinh của “Đội thầy Sơn” vượt ngưỡng an toàn, có những em có kết quả cao hơn cả những học sinh ở ngoài lớp này. Em nào tiến bộ, thầy Sơn cho ra khỏi lớp, lại đưa thêm vài em còn yếu ở ngoài vào. Đến đầu tháng 6, lớp còn 24 em và được ôn tập đến gần ngày thi.
“Các em không học kém, chỉ là không chịu học, đến khi xốc được tinh thần, bồi dưỡng lỗ hổng kiến thức thì các em tiến bộ nhanh. Trước kỳ thi, tôi vẫn lo cho 4 học sinh nhưng 3 em trong số đó đậu tốt nghiệp, 1 em trượt vì hầu như không đi học. Đón các em sau mỗi môn thi, nghe các em làm được bài, tôi mừng lắm. Trong lớp đặc biệt này, có em điểm trung bình trên 7 điểm, trong đó có môn đạt 9,5 điểm”, thầy Sơn nói.
Gần gũi và thấu hiểu
Để huy động những học sinh này đến lớp cũng không đơn giản, cũng có lúc thầy hiệu trưởng phải xuống nước. Thầy Sơn kể: “Không phải thầy hiệu trưởng nói gì các em cũng nghe, mà phải thu phục nhân tâm. Vì vậy, công tác “dân vận” phải khéo để các em khỏi tự ti và cảm thấy học là giúp ích cho mình. Việc đầu tiên là phải thuộc tên từng em. Mỗi buổi, tôi đến 2 lớp, hỏi tên các em xung quanh Huy là bạn nào, Tiến là bạn nào rồi đi sau lưng vỗ vai từng đứa: “Cháu cố gắng lên, thời gian không còn dài. Ít bữa theo đội thầy nghe. Đội thầy tuyệt vời lắm!”.
Để tạo thói quen chuyên cần cho các em, mỗi ngày, đều đặn lúc 6h và 13h, thầy Sơn nhắn tin vào nhóm kêu các em dậy đi học, lúc nào cũng nhẹ nhàng, gần gũi: “Các cháu dậy thì like, không thôi thầy buồn”. Vậy là các em đi học đầy đủ. Em nào viện lý do xin nghỉ, thầy lại bảo: “Cố gắng chứ để thầy đợi, tội thầy”. Thầy Sơn nhờ bộ phận hành chính hỗ trợ điểm danh thường xuyên, bạn nào vắng thầy nhắn tin riêng, gọi điện kêu đi học. Gọi không được, thầy tới tận nhà tìm. Thầy còn hướng dẫn thêm môn toán cho các em, thỉnh thoảng còn mời cả lớp ra căn tin ăn uống... Được thầy hiệu trưởng quan tâm, em nào cũng thấy vui và chăm chỉ học.
Ngoài việc thường xuyên hỏi han xem các em cần gì, gặp khó khăn gì trong học tập và cuộc sống để kịp thời giúp đỡ, thầy tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh qua giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Hiểu nguyên nhân khiến các em học yếu, bỏ bê học hành mới có giải pháp với từng trường hợp. Học sinh nào nghiện game, thầy Sơn giúp các em cai nghiện; trò nào có hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm thêm, thầy xin tài trợ từ bạn bè, học trò cũ, các mạnh thường quân để các em chuyên tâm cho việc học.
Lớp học đặc biệt cũng có nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt. Từ nhỏ, Trần Đăng Nhật Huy sống cùng ông bà nội. Ông bà chẳng dư giả gì, Huy nhờ chú của em mua giúp máy tính trả góp. Để có tiền trả hàng tháng, sau giờ lên lớp, Huy đi làm thêm ở quán ăn từ chiều đến khuya. Một lần, thấy Huy đã trưa vẫn chưa đi học, thầy Sơn đến tận nhà tìm và thấy em còn ngủ. Bực quá, thầy quát nhưng khi biết nguyên nhân do Huy phải đi làm thêm tới khuya, thầy khuyên em nghỉ việc, bù lại, thầy cho em mượn 2 triệu đồng mỗi tháng để trả góp. Không yên tâm, thầy tìm đến tận nơi Huy làm thêm để yêu cầu chủ quán không thuê em làm nữa. Huy có kết quả thi tốt nghiệp khá cao và đăng ký vào Khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Nhật Huy kể: “Không chỉ riêng em mà với tất cả các bạn, thầy Sơn đóng vai trò rất lớn. Dù không phải là người trực tiếp giảng dạy, nhưng thầy là hậu phương vững chãi nhất cho em, giúp em và những bạn khác giải quyết những khúc mắc từ gia đình cho tới trường học”.
Nghiện chơi game, Trần Anh Tiến là học sinh thuộc vào loại yếu nhất trong lớp. Để “cai nghiện” cho Tiến, thầy Sơn gặp phụ huynh bàn cách, thuyết phục Tiến phải cố gắng rồi thầy trò cùng thỏa thuận phương pháp. Mỗi ngày đến trường, Tiến đưa điện thoại cho thầy Sơn cất; về nhà, ba mẹ cũng quản điện thoại sau 21h. Thời gian đầu, Tiến rất khó chịu nhưng rồi em đã vượt qua và tiến bộ vượt bậc. Thi đỗ tốt nghiệp, Tiến đăng ký vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Tiến tâm sự: “Trước đây, em rất lười học, hầu như về nhà em chưa bao giờ ngồi vào bàn học. Từ khi vào “Đội thầy Sơn”, với sự quan tâm, yêu thương của thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo dạy dễ hiểu hơn, em thay đổi ý thức học tập. Thầy là hiệu trưởng mà ngày nào cũng đến lớp nhắc nhở chúng em đi học đầy đủ, quan tâm tụi em như vậy thì em phải cố gắng hơn”.
Con đậu tốt nghiệp, bà Bùi Thị Lâm, mẹ của Tiến mừng lắm: “Gia đình chúng tôi rất cảm ơn nhà trường, các thầy cô, đặc biệt là cá nhân thầy Sơn. Trước đây, cháu học rất yếu lại lười học, tôi lo lắng nhưng cũng hết cách. Nhờ sự quan tâm của thầy hiệu trưởng, con tôi đã có ý thức học tập và thi đỗ tốt nghiệp”.
Ngày có kết quả tốt nghiệp là một ngày hạnh phúc với thầy Sơn. Ngoài “món quà” đỗ tốt nghiệp, lời cảm ơn của trò: “Cháu cám ơn thầy đã đồng hành cùng tụi cháu trong thời gian qua. Mãi yêu thầy!” khiến lòng người thầy ấy ấm áp, reo vui!