Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay nhà ở xã hội |
Phấn đấu đầu tư 10.280 căn nhà ở xã hội
Thị trường bất động sản sôi động trong những năm 2020-2022 đã kéo theo giá nhà, đất trên địa bàn tăng cao và trở thành rào cản cho các đối tượng có thu nhập thấp khi muốn tiếp cận với thị trường này. Đó là lý do các đối tượng thu nhập thấp chỉ tiếp cận các bất động sản ở khu vực khá xa trung tâm, hay các khu đất, nhà có các yếu tố pháp lý không rõ ràng. Điều này đang dẫn đến những hệ lụy trong phát triển xã hội, cũng như công tác an sinh.
Cũng vì lẽ đó, các dự án nhà ở xã hội với cơ sở pháp lý đảm bảo, hạ tầng thuận tiện lại ngay trung tâm trở thành sự lựa chọn của rất nhiều người. Tuy nhiên, hiện các căn hộ dự án nhà ở xã hội đang triển khai hầu hết đều đã có chủ, các dự án đang nghiên cứu đầu tư cũng đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục. Vì thế, nhu cầu nhà ở xã hội vẫn là một nhu cầu khá bức thiết.
Được đánh giá là địa phương dành nhiều sự quan tâm đến công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thừa Thiên Huế đã ban hành chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2030, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và các năm 2022, 2023. Theo đó, tỉnh sẽ dành 372,37ha đất phát triển các dự án nhà ở xã hội đến năm 2025 và đến năm 2030 là 400,4ha. Và theo đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, Thừa Thiên Huế đã đề xuất đóng góp 10.280 căn.
Tuy nhiên tính đến nay, toàn tỉnh mới hoàn thành 3 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với 1.242 căn hộ, đạt 30% mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Hiện, tỉnh đang tích cực thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng 7 dự án, trong đó có 5 dự án cho người có thu nhập thấp với quy mô 6.386 căn hộ, 2 dự án nhà ở cho công nhân với 4.160 căn hộ.
Mới đây, dự án nhà ở xã hội khác được Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Cotana Capital (Cotana Capital) khởi công trên địa bàn. Dự án này sẽ được triển khai trên 20% đất phát triển nhà ở xã hội của dự án Ecogarden, với diện tích xây dựng 3,52ha, đầu tư hơn 1.000 căn hộ. Đây là cơ hội lớn cho người thu nhập thấp có thể tiếp cận với các căn hộ nhà ở xã hội có quy mô, cũng như hạ tầng đảm bảo.
Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư
Ngoài nền tảng thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thông qua việc định hướng rõ ràng tại chương trình phát triển nhà ở của tỉnh, các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội đang được tạo điều kiện rất lớn về cơ chế, chính sách. Theo đó, các nhà đầu tư nhà ở xã hội được hưởng các ưu đãi như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. Trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn cũng đã triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ chủ đầu tư vay đầu tư nhà ở xã hội và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã triển khai cho vay nhà ở xã hội theo nguồn vốn bổ sung từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Đến cuối tháng 6, dư nợ chương trình cho vay nhà ở xã hội đã đạt 182 tỷ đồng. Với ưu đãi nổi bật như mức lãi suất thấp chỉ có 4,8%/năm (0,4%/tháng), thời hạn cho vay tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên đã tạo điều kiện tốt nhất để các đối tượng có thu nhập thấp tiếp cận vốn vay để mua nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ, chính sách về nhà ở, nhất là nhà ở xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" và rất nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội khác. Đây là điều kiện và cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp bất động sản tận dụng lợi thế về chính sách tạo đà khôi phục đầu tư kinh doanh, đồng thời tạo ra nguồn cung nhà ở xã hội cho thị trường.