leftcenterrightdel
 PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế

Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế, trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, tranh thủ sự đặt hàng của các địa phương và triển khai các chương trình đào tạo ngoài chính quy để tăng nguồn thu cho trường.

Thưa ông, trong khi hầu hết các trường đại học đều tăng chỉ tiêu, hoặc giữ ngang bằng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2023, thì chỉ tiêu của Trường đại học Sư phạm lại giảm, ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?

Trong các ngành đào tạo thì các ngành sư phạm được giao chỉ tiêu hàng năm tùy vào nhu cầu của xã hội, nhu cầu tuyển dụng của các địa phương. So với các năm trước, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao chỉ tiêu trực tiếp cho các trường đào tạo giáo viên. Việc giao chỉ tiêu dựa trên đặt hàng đào tạo giáo viên của các địa phương. Vì số lượng đặt hàng của các địa phương thấp nên kéo theo chỉ tiêu cho trường sư phạm đều giảm sâu. Đây là thực trạng chung của các trường đào tạo giáo viên trong cả nước, không chỉ có Huế.

Năm nay, Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cho Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế chỉ 1.044 chỉ tiêu. So với năm 2022, con số này chỉ gần bằng 40%, vì chỉ tiêu của trường được giao trong năm ngoái là 2.700 sinh viên.

leftcenterrightdel
 Thí sinh làm thủ tục nhập học năm 2022

Ngoại trừ một số ngành mà nhu cầu xã hội đang lớn, như Sư phạm Giáo dục tiểu học, Sư phạm Giáo dục mầm non, giáo viên giảng dạy bộ môn tích hợp phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 duy trì chỉ tiêu xét tuyển ở mức trung bình, thì hầu hết các ngành chỉ tiêu giảm mạnh. Có những ngành năm 2022 Bộ GD&ĐT giao đến 300 chỉ tiêu, thì năm nay chỉ còn 130 chỉ tiêu; hay có những ngành năm nay giao đúng 20 chỉ tiêu, số lượng vừa đủ để duy trì ngành học.

Chỉ tiêu chỉ gần bằng 40% so với năm 2022, tình hình tuyển sinh của trường có thuận lợi hay khó khăn hơn, thưa ông?

Hiện nay, việc đào tạo giáo viên được áp dụng theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, sinh viên khi theo học sư phạm sẽ được miễn học phí 100% và được hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng.

Hai yếu tố chỉ tiêu tuyển sinh giảm và những điều kiện thuận lợi về kinh phí trong học tập, nên dự báo số lượng sinh viên lựa chọn ngành sư phạm sẽ tăng lên so với các năm trước. Riêng xét tuyển sớm bằng hình thức xét học bạ, số lượng đăng ký xét tuyển ở trường lên đến hàng ngàn hồ sơ. Điều này kéo theo điểm xét tuyển rất cao mà nhà trường đã công bố trước đó. Có những nhóm ngành Sư phạm Vật lý và Sư phạm Hóa học lấy đến 29 điểm. Kể cả những ngành môn xã hội cũng lấy đến 27,75 điểm.

Dù chưa kết thúc thời gian tuyển sinh năm 2023, song qua đánh giá, thăm dò và kết quả xét tuyển sớm, có thể thấy chất lượng đầu vào năm nay khả năng sẽ rất tốt. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy những mối lo là điểm xét tuyển học bạ cao, đây chắc chắn là những em học sinh giỏi. Nhưng học sinh có thành tích học tập cao thì chưa chắc chọn học ngành sư phạm, mà sẽ chọn những ngành và những trường “top” cao hơn nữa.

Chỉ tiêu giảm thấp một cách “đột biến” như thế ảnh hưởng như thế nào đến trường, thưa ông?

Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế là trường đào tạo thuần về giáo viên, trường đang tự chủ ở mức 3, ngân sách chủ yếu là từ học phí của sinh viên; trong khi đó, số lượng sinh viên càng ít thì nguồn học phí sẽ càng giảm. Giảm sâu hơn 1.600 chỉ tiêu sinh viên sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn ngân sách hoạt động của nhà trường.

Trong tuyển sinh, cái khó của Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế là ở chỗ, khi tuyển đúng số lượng chỉ tiêu được giao, khả năng sẽ không thu hút đủ lượng thí sinh nhập học như chỉ tiêu. Vì kinh nghiệm trong tuyển sinh của mọi năm, chỉ có khoảng 60 - 70% sinh viên sẽ nhập học. Điều này càng ảnh hưởng đến số lượng sinh viên vào học.

Trong khi đó, cái khó của trường sư phạm ở chỗ là lại không dám tuyển vượt để bù vào khoảng 30 - 40% sinh viên không nhập học như nhiều trường đang áp dụng. Nếu sinh viên nhập học vượt con số 1.044 chỉ tiêu, không chỉ trường sẽ bị phạt, mà quan trọng hơn là con số sinh viên tăng hơn so với chỉ tiêu ban đầu đó, thì nhà trường phải tự bỏ ngân sách ra để chi trả các chi phí học tập cho sinh viên như theo Nghị định 116 trong suốt 4 năm học.

Vậy nhà trường sẽ khắc phục như thế nào, thưa ông?

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, với thương hiệu của Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế suốt 66 năm qua, thì nhà trường phải nỗ lực gấp bội để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trước hết là luôn đảm bảo chất lượng đào tạo. Tiếp tục duy trì và phát triển của một trường đào tạo sư phạm lớn, uy tín của khu vực miền Trung; xây dựng cho sinh viên có môi trường học tập tốt nhất.

Cùng với đó là đảm bảo tăng nguồn thu ổn định, đảm bảo đời sống của cán bộ, giảng viên, công nhân viên, người lao động của trường, bằng cách mở rộng đào tạo các chương trình ngoài chính quy; đào tạo liên thông, văn bằng hai, tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo chương trình của Bộ GD&ĐT; đẩy mạnh hơn công tác nghiên cứu khoa học…

Đặc biệt, chủ động hơn nữa trong đánh giá, nghiên cứu nhu cầu của người học để “chớp” lấy cơ hội đặt hàng đào tạo giáo viên của các địa phương trong khu vực và cả nước.

Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 một số ngành 20 thí sinh. Nếu khi nhập học mà chỉ có một vài thí sinh, trong trường hợp đó, trường cũng phải tổ chức lớp học, nhưng sẽ thay đổi chương trình, làm thế nào đó để tổ chức đào tạo phù hợp và hiệu quả nhất, tiết kiệm được ngân sách cho nhà trường.

Xin cảm ơn ông!

Đức Quang (Thực hiện)