ASEAN có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+ |
Nằm trong số ít các nền kinh tế sẵn sàng tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm tới, ASEAN được kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng GDP thực đáng kể trên 4,8% vào năm 2024. Qua đó, củng cố lộ trình hướng đến trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030.
Hiện có 4 cách mà các tổ chức trong ASEAN đang tận dụng lợi thế của mình để tìm hiểu sâu sắc về khả năng phục hồi sức mạnh của khu vực, cũng như khả năng để khu vực định hình tương lai thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Khai thác kết nối của ASEAN
Có nhiều lý do khiến ASEAN trở thành một thị trường ưa thích để kinh doanh. Sức hấp dẫn của khu vực bắt nguồn từ dân số trẻ và đang phát triển, với hơn 1 nửa là dưới 30 tuổi. Nhân khẩu học của khu vực, được kỳ vọng sẽ vượt quá 720 triệu người vào năm 2030, cùng với tầng lớp trung lưu đang phát triển, dự đoán sẽ điều hướng mức tăng trưởng GDP của khu vực chạm mốc 5% mỗi năm. Đến năm 2030, ASEAN được dự đoán sẽ vượt qua Đức và trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.
Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng sẽ là động lực cho các nền kinh tế của ASEAN, khi lượng dân cư thành phố được dự đoán sẽ tăng từ khoảng 49% của hiện nay lên gần 56% vào năm 2030. Các khu vực đô thị mang đến chất lượng cuộc sống được cải thiện, cơ hội việc làm và giáo dục tốt hơn, cũng như khả năng tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ kỹ thuật số. Chính những điều này sẽ biến khu vực trở nên ngày càng hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, sự gia tăng gần đây của các hành lang thương mại và đầu tư mới giữa các trung tâm đô thị và sản xuất đã mang lại lợi ích cho ASEAN. Ngoài ra, triển vọng kỹ thuật số của ASEAN rất đáng kể. Số lượng người dùng Internet trong khu vực đạt 460 triệu người vào năm 2022 và nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN, vốn trị giá 200 tỷ USD, có thể sẽ vượt quá 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Các xu hướng mới nổi như thương mại điện tử, dịch vụ trực tuyến, đặt chỗ du lịch và vận chuyển trực tuyến dự kiến sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng này…
Tài chính siêu cá nhân hóa
Sau đại dịch, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của các dịch vụ kỹ thuật số. Khi các doanh nghiệp truyền thống đang nhanh chóng chuyển đổi sang nền tảng kỹ thuật số, họ đã và đang nỗ lực hơn khi mở rộng các ưu đãi vốn trước đây chỉ có sẵn khi gặp mặt trực tiếp.
Thông qua quá trình thử nghiệm và mắc sai lầm, các thương hiệu đã mài dũa lợi thế cạnh tranh của mình bằng cách cung cấp dịch vụ tuyệt vời cho những phân khúc người tiêu dùng khác nhau. Nghiên cứu về sự ủng hộ cho cách tiếp cận này tiết lộ rằng, 70% người tiêu dùng có xu hướng trở thành khách hàng thường xuyên hơn khi các dịch vụ được cá nhân hóa.
ASEAN bền vững: Một sự chuyển đổi chính xác
Để chống lại tác động của biến đổi khí hậu, thế giới phải hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này liên quan đến việc giảm lượng khí thải CO2 và khí nhà kính xuống mức ròng bằng 0. Tuy nhiên, quá trình khử carbon của khu vực cần phải được tiếp cận một cách thận trọng. Các quốc gia thành viên ASEAN đều có quỹ đạo phát triển kinh tế - xã hội và những thách thức khác nhau. Cùng với đó, khu vực đang phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, khí đốt và than đá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh quá nhanh chóng có thể khiến nhiều người không mua được điện và nhiên liệu cho phương tiện giao thông, từ đó làm suy yếu các ngành công nghiệp quan trọng.
Theo đó, quá trình chuyển đổi năng lượng của ASEAN sẽ theo một lộ trình dần dần. Quá trình chuyển đổi sẽ mở rộng quy mô khi công nghệ sạch được cải thiện và cơ sở hạ tầng xanh được mở rộng. Tiềm năng kinh tế của những cơ hội xanh này là vô cùng to lớn - khi đến năm 2030 sẽ trị giá 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Hồi sinh tầm nhìn tiềm năng mới nổi của ASEAN
Tuy vào năm 2020, ASEAN đã công bố lộ trình phát triển nguồn nhân lực hướng tới một cộng đồng, hướng tới con người, mang lại chất lượng cuộc sống cao hơn… Tuy nhiên, lực lượng lao động tay nghề cao của ASEAN đã và đang đối diện với những thách thức chưa từng thấy, do những tiến bộ công nghệ nhanh chóng trong AI, robot, tự động hóa… Đứng trước tình hình này, các nhà hoạch định của ASEAN kêu gọi lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai bằng việc trau dồi năng lực phù hợp. Trong khi đó, những tài năng mới nổi ngày nay cũng đã và đang tìm kiếm một môi trường ít cứng nhắc và ít kiểm soát hơn so với trước đây.
Nắm bắt sự linh hoạt là chìa khóa giải quyết những thách thức đang tồn tại. Lao động ASEAN phải nhanh nhẹn, thích ứng tốt với kế hoạch công nghệ của công ty và liên tục xây dựng kỹ năng để đáp ứng tốt cho những nhu cầu đặt ra.