Thời gian qua, Đại học Huế triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy ĐMST&KN |
Tham dự diễn đàn, về phía Trung ương có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; lãnh đạo các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên; về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Vai trò của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Đặt vấn đề tại diễn đàn, PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, Trưởng Ban tổ chức mong muốn, diễn đàn “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp miền Trung và Tây Nguyên” là dịp để các đại biểu, các địa phương chia sẻ, học hỏi những tiềm năng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (ĐMST&KN); xây dựng cầu nối giữa giáo dục, nghiên cứu và thương mại; tìm kiếm động lực, hoạch định chính sách, xây dựng môi trường thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái ĐMST&KN khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã xác định, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là động lực cho phát triển với mục tiêu “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, ĐMST&KN là động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Điều này đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên càng quan trọng, khi đây là địa bàn chiến lược, có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông – lâm nghiệp bền vững.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, tỉnh đã sớm ban hành các kế hoạch nhằm đẩy mạnh triển khai đề án và đặc biệt đã phê duyệt Đề án Cố đô khởi nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở điều chỉnh nội dung đề án của Trung ương để phù hợp hơn với tình hình mới và định hướng phát triển của địa phương.
“Đặc biệt, vừa qua HĐND tỉnh đã ban hành 2 Nghị quyết “Quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030” và Nghị quyết “Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025”. Đây là chủ trương, chính sách góp phần hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần, khát vọng ĐMST&KN trong cộng đồng, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đề xuất, xây dựng các dự án khởi nghiệp thông qua các chương trình của tỉnh. Nhiều dự án khởi nghiệp của tỉnh tham gia tại cuộc thi vùng và khu vực đều đạt giải cao và phát huy giá trị kinh tế ngay khi tham gia vào thị trường”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết.
ĐMST&KN những năm qua đạt nhiều kết quả, tuy nhiên các đại biểu chỉ ra những “điểm nghẽn”. Đó là các “nút thắt” về điều kiện kinh doanh vẫn chậm được cải tiến, thiếu sự đồng bộ với quy hoạch; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy ĐMST&KN trong một số lĩnh vực quan trọng, mới nổi; thiếu hoặc cơ chế, chính sách chưa phù hợp để phát triển, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích huy động nguồn lực, như: quỹ đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng…
Phát huy vai trò của cơ sở giáo dục
Nghị quyết số 26 ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn. Để thực hiện các nhiệm vụ, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cần xác định, việc phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và ĐMST&KN chính là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hiện nay, việc thúc đẩy ĐMST&KN đang được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng sớm đạt được các mục tiêu tăng trưởng, trở thành quốc gia khởi nghiệp có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Thế nên, việc cần làm đầu tiên là xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện. Ở đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được ươm tạo, hỗ trợ và nhanh chóng có được những mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững.
Các nghiên cứu về việc xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia đều chỉ rất rõ vai trò quan trọng của ngành giáo dục nói chung và các trường đại học nói riêng. Trong tất cả các giai đoạn chính của khởi nghiệp, gồm thúc đẩy tinh thần; hình thành giải pháp và quản trị doanh nghiệp, ngành giáo dục đều có vai trò, nhiệm vụ riêng; trong đó, giáo dục phổ thông tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, còn giáo dục đại học cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng, cung cấp những kiến thức cơ bản, xây dựng những chương trình đào tạo tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp…
Chuyên gia Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tập huấn ĐMST&KN cho sinh viên Đại học Huế |
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế chia sẻ, thời gian qua, tinh thần ĐMST&KN trong Đại học Huế đã được triển khai đồng bộ và hiệu quả, với các hoạt động thí điểm, đào tạo, huấn luyện, kết nối và xây dựng hệ sinh thái; đóng góp vào việc hình thành những tài năng và nhà lãnh đạo trẻ có khả năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực. Các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tại Đại học Huế góp phần đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề và thách thức trong khu vực. Từ đó thúc đẩy phát triển đổi mới và khởi nghiệp. Hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ kết nối đầu tư, tư vấn kinh doanh và các dịch vụ hỗ trợ khác…
Để ĐMST&KN trong các cơ sở giáo dục hiệu quả hơn, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với khu vực doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Sớm hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá trường đại học ĐMST&KN. Ban hành điều kiện tiêu chuẩn của cán bộ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên. Nghiên cứu và đề xuất khung chương trình đào tạo về ĐMST&KN cho các nhà trường làm căn cứ tham khảo và lựa chọn đưa vào chương trình đào tạo.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề nghị, các địa phương, cơ sở đào tạo phải tăng cường kết nối nguồn lực, phát triển thành hệ sinh thái ĐMST&KN cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Từ đó, hỗ trợ và cùng nhau thúc đẩy các hoạt động ĐMST&KN, tạo sức mạnh mới cho vùng.