Các “họa sĩ nhí” với nhiều độ tuổi khác nhau |
Trong nuôi dạy con cái, bên cạnh việc cho con đi học chữ ở lớp mầm non thì việc cho học những môn năng khiếu hiện cũng rất được các phụ huynh có con trong độ tuổi mẫu giáo quan tâm. Xã hội phát triển, các môn dạy năng khiếu ngày càng được mở ra nhiều nên các phụ huynh có nhiều lựa chọn, như cho con đi học múa, học đàn piano, đàn guitar, đánh trống, học cờ vua, học võ, học bơi… Tuy nhiên, giữa vô vàn những lựa chọn đó, việc được học vẽ sẽ đem lại lợi ích vô cùng ý nghĩa đối với sự phát triển của các bé ở giai đoạn chập chững nhận biết thế giới xung quanh.
Ở Huế, việc cho con đi học vẽ từ bé không còn quá xa lạ. Có thể thấy số lượng các lớp vẽ cho trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ ở trung tâm lớn mà hội họa dành cho các em nhỏ từ 3 tuổi trở lên còn có xu hướng đi vào hình thức nhóm, kèm và có rất đông học viên nhí tham gia.
Chị Trần Thủy Tiên (sinh 1989), Giám đốc Trung tâm Mỹ thuật Gia Hân cho biết, mặc dù tuyển sinh lứa tuổi từ 3 tuổi trở lên, nhưng lượng học viên lớn rất ít, mà nhiều nhất chính là các em 3 đến 5 tuổi. “Phụ huynh nào cũng mong muốn đem tới những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Chính vì vậy mà họ đưa con đi học vẽ từ rất sớm vì những điều lợi ích mà hội họa đem lại cho trẻ em”, chị Tiên chia sẻ.
Với chị Thủy Tiên, việc mở trung tâm dạy vẽ không phải là chủ định từ đầu. Là giáo viên hội họa của Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, năm con gái đầu lên 3 tuổi, chị bắt tay vào dạy vẽ cho con. Muốn con mình được phát triển trong môi trường có các bạn đồng trang lứa, cùng đam mê, chị lên mạng chia sẻ việc mở lớp dạy vẽ cho trẻ 3 tuổi. Không ngờ điều đó lại đánh đúng vào nhu cầu của các phụ huynh khác. Từ một lớp với mấy học viên, dần dần chị mở rộng và phát triển thành Trung tâm Mỹ thuật Gia Hân hiện nay.
Bằng góc nhìn của một người làm nghề giáo, chị Tiên cho rằng, não bộ của trẻ em phát triển nhanh nhất đến năm 8 tuổi thì bắt đầu chậm lại, vì vậy việc cho trẻ tiếp xúc sớm với hội họa rất quan trọng, lứa tuổi này các em ghi nhận nhanh và rất bền. Vẽ tranh là một trong những hoạt động đơn giản nhưng có thể dễ dàng kích thích trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo, tăng cường trí nhớ cho các em nhỏ. “Tính thẩm mỹ mà hội họa đem lại cũng rất quan trọng trong đời sống văn hóa, có giá trị theo suốt đời. Đây là một trong những thứ mà khi lớn lên, dù các em không theo con đường hội họa thì vẫn phải sử dụng rất nhiều trong đời sống. Ngoài ra, vẽ tranh cũng là một biện pháp giảm stress rất tốt”, chị Tiên chia sẻ.
Với lứa tuổi chính là từ 3 đến 10 tuổi, học trò của chị Tiên có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bất cứ hoàn cảnh thế nào, người làm cha, làm mẹ đều muốn đầu tư những gì tốt nhất cho con. “Rất may là bên mình chưa gặp trường hợp bé nào quá phá phách cả. Với những bé mới vào còn sợ sệt hay không quen ngồi một chỗ, chỉ cần nhẹ nhàng an ủi động viên, qua buổi thứ hai bé đã ngồi vào bàn chăm chú vẽ tranh”, chị Thủy Tiên nói. Đôi khi cũng có những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ được đưa đến học vẽ, ngoại trừ sự khó khăn ban đầu, bằng tình thương của giáo viên, các bạn nhỏ dần bắt nhịp với bạn bè, cũng cố gắng tập trung học tập. Nhiều bạn trở nên rất đam mê. Có bé đồng thời tìm ra được năng khiếu hội họa, giúp bệnh tình dần thuyên giảm.
Hiện nay, không chỉ ở Huế mà cả Việt Nam, các cuộc thi vẽ dành cho trẻ em mầm non, tiểu học ngày càng nhiều. Tại các cuộc thi diễn ra tại Huế, rất nhiều thí sinh tham gia là học trò của cô Tiên. Đây chính là một trong những phương pháp dạy của Thủy Tiên khi thường xuyên cho học trò tham gia vào các cuộc thi hội họa. Tại cuộc thi vẽ toàn quốc “Em vẽ trường học hạnh phúc” diễn ra vào tháng 5 vừa qua, Huế có 6 bức được tham dự vòng chung kết diễn ra tại Hà Nội đều là học trò của chị, trong đó có 1 bức xuất sắc đạt giải Vàng.