Người dân về nước trên một chuyến bay “giải cứu” trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn |
1. Dù vụ án được xét xử công khai và thông tin rộng rãi nhưng các thế lực chống đối vẫn cố tình cắt xén, nhào nặn rồi dựng lên những câu chuyện về “vấn đề nội bộ”, “nhóm lợi ích”, “tham nhũng tràn lan”…
Một số trang trên YouTube đăng tải với kiểu giật gân, kích động về cái gọi là “trùm cuối” nhằm ám chỉ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước “che chắn”, “bảo kê”. Chúng đưa ra những con số về tỷ lệ “chia chác phần trăm” khi được phê duyệt thủ tục. Cũng không quên nhận định cơ quan công quyền nào cũng có tham nhũng, cả một hệ thống từ trên xuống dưới, “xử lý được một ít lại lòi ra thêm”. Lấy vụ điển hình này để nhân lên với 63 tỉnh, thành phố, các bộ, ngành và nhận định về “ăn vào tiền thuế của dân là cực kỳ kinh khủng”.
Có những trang mạng đưa ra nhận định về lời khai của điều tra viên của vụ án, của cán bộ công an đi chạy án, xem đó như là “chứng cứ điển hình” về tệ nạn trong bộ máy tư pháp. Biến các bị cáo này thành “thần tượng”, Idol, “ngôi sao MXH” bằng những phát ngôn gây sốc, coi thường pháp luật.
Đáng lo ngại vì mục đích xấu đã đưa lên MXH cổ súy cho những hành vi sai trái đó, xem đây là “địa chấn” về “căn bệnh vô phương cứu chữa”. Nhiều bài viết kích động về “niềm tin” của Nhân dân đối với chống tham nhũng, nhận định về nguy cơ “tự sụp đổ” từ bên trong…
Từ một số tình tiết trong vụ án đã biến thành những thông tin sai lệch, về thực trạng tham nhũng của xã hội Việt Nam. Từ đó gây hoài nghi trong Nhân dân vào các cấp lãnh đạo và hệ thống chính trị, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, quần chúng nhân dân với các cơ quan Nhà nước, phá vỡ đồng thuận xã hội...
2. Việc tổ chức các chuyến bay giải cứu là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân. Chủ trương này được đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, sự ủng hộ của người dân trong và ngoài nước về tính nhân đạo của chế độ. Việc tổ chức các chuyến bay là sự cố gắng, nỗ lực của Nhà nước, là hình mẫu nhân văn, thể hiện bản chất chế độ mà không phải quốc gia nào trên thế giới có thể làm được trong đại dịch. Tuy nhiên, từ chính chính sách tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân văn đó lại bị một số cán bộ, lãnh đạo mang trọng trách “công bộc” của dân lợi dụng móc ngoặc để hối lộ, tư lợi cá nhân với số tiền lớn, phạm vi rộng. Đó là những vi phạm phi đạo đức, trách nhiệm công vụ không thể chấp nhận trong điều kiện khó khăn của đất nước, của người dân.
Từ vụ án cho thấy, chống tham nhũng, tiêu cực phải đi liền với chống lợi ích nhóm, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, nhất là số có chức quyền. Vụ án đưa ra xét xử chứng minh chủ trương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể là ai” của Đảng, Nhà nước được thực thi trên thực tế. Đó không phải là “khẩu hiệu suông”, “mị dân” như luận điệu kẻ xấu. Tinh thần chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, thực chất hơn, là một trong những dấu ấn quan trọng trong thành tựu chung của đất nước. Chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Thực tiễn đó bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng”, “triệt hạ”…
Chúng ta đã thấy rõ những tác hại của vấn nạn tham nhũng gây ra và đã có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của hệ thống chính trị. Đồng thời, từ vụ án cũng cho thấy tính chất phức tạp của tệ nạn tham nhũng hiện nay, nếu không được kiểm soát có thể sẽ trở thành căn bệnh nguy hiểm trong cơ quan công quyền. Qua đó để thấy rõ hơn tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh chống “những viên đạn bọc đường”, sự biến chất của một bộ phận cán bộ. Ở đây, phiên tòa diễn ra công khai, tất cả đối tượng từ chức vụ cao đến những doanh nghiệp đều bị đưa ra xét xử công khai cho thấy tinh thần quyết liệt chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Những lời thừa nhận vi phạm của quan chức thể hiện thoái hóa biến chất của từng cá nhân và sự tác động không nhỏ từ mặt trái của kinh tế thị trường cần được sớm khắc phục.
Tệ nạn tham nhũng, tiêu cực gây ra những tác hại không nhỏ trên nhiều mặt đòi hỏi phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần làm chủ của Nhân dân để lên án, đấu tranh, ngăn chặn. Như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải “trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”, “tiến hành sâu rộng, từ sớm, từ xa, cả “ngọn” lẫn “gốc”, “xử lý cả hành vi tham nhũng, tiêu cực và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở”…
Phiên tòa xét xử “chuyến bay giải cứu” một lần nữa khẳng định phương châm như chỉ đạo của Tổng Bí thư, khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật. Tính nghiêm minh bằng những bản án dành cho các đối tượng là những bài học đáng giá cho những kẻ rắp tâm nhúng chàm. Những lối suy diễn lệch lạc, cổ súy cho những hành vi phạm tội của một số đối tượng trong vụ án cần phải được lên án.