Vậy nhưng, khi cô Nhài mang trong người máu thịt của ông, lẽ ra ông mừng vui “rước” mẹ con cô về cùng đoàn tụ, chia sẻ cuộc sống, cùng nhau nuôi dưỡng con cái, thế ông hốt hoảng. Ông dỗ ngon, dỗ ngọt cô Nhài bỏ đứa con trong bụng. Cô Nhài không đồng ý thì ông tỏ ra lạnh nhạt. Thấy thái độ ông như vậy, người khác thì chê ông bạc bẽo, thiếu trách nhiệm, nhưng cô Nhài lại không nói gì, chỉ lặng lẽ cắt đứt quan hệ với ông, để ông khỏi khó xử. Dù cùng ở trong một thành phố, nhưng không bao giờ cô Nhài “làm phiền” đến ông, kể cả khi hai mẹ con gặp khó khăn nhất. Chính điều đó lại làm ông ân hận, day dứt trong lòng, nhưng ông không đủ can đảm xin cô Nhài tha thứ và công khai nhận con.

Ông bệnh phải nằm viện, mà lại là bệnh nặng, con cháu, người thân thay nhau chăm sóc tận tình. Nhưng sâu thẳm trong lòng, ông vẫn canh cánh một điều không yên, tha thiết muốn được gặp đứa con mà bao năm qua ông bỏ rơi. Nhưng ông chẳng hi vọng gì, vì cô ấy (nay đã là bà ấy) sẽ không tha thứ cho sự bạc bẽo của ông.
 
Sau cơn mê man vì căn bệnh, ông nặng nhọc hé đôi mắt mệt mỏi và không tin vào mắt mình. Bên giường bệnh là bà Nhài cùng cậu thanh niên mà nhìn cậu ấy, ông thấy lại mình thời trai trẻ. “Cậu ấy” nắm bàn tay gầy guộc của ông trong đôi tay mạnh mẽ, ấm áp: “Bác sẽ bình phục thôi. Nếu bác muốn, ngày nào cháu cũng sẽ đến cạnh bác”. Con trai ông! Nó gọi ông bằng bác. Nhưng không sao cả. Bà ấy và con trai ông đã đến cạnh, tha thứ cho ông, đó mới là điều quan trọng nhất. Sự bao dung của hai mẹ con khiến ông nghẹn ngào ân hận, nhưng cũng xiết bao vui mừng, hạnh phúc. Như quên hết bệnh tật, trong lòng ông rộn rã như đang có mùa xuân ấm áp.
Phạm Thùy Chi