Khoảng 70% trong số 29 nền kinh tế lớn đã có số liệu cho thấy sự co lại trong hoạt động sản xuất. Ảnh minh hoạ: TTXVN/Báo Tin tức |
Điều này được thể hiện rõ nhất khi các chỉ số sản xuất toàn cầu đã chỉ ra sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hoá ở mức tương đương với những gì xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm và chi tiêu của người tiêu dùng chuyển hướng.
Các nhà phân tích nhận định, triển vọng của nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào việc liệu lĩnh vực dịch vụ có thể tự hỗ trợ việc làm hay không.
Theo Trung tâm Hàng hải Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo, khối lượng vận chuyển container từ châu Á đến Mỹ đã giảm khoảng 20% - 30% mỗi năm, ghi nhận trong một số tháng của năm 2023.
Đại diện của một công ty vận tải container lớn cho biết: “Mặc dù vẫn có nhu cầu bán hàng nhưng hàng tồn kho bán lẻ vẫn chưa hết và nhu cầu không đủ mạnh để các công ty tăng cường sản xuất và vận chuyển nhiều sản phẩm hơn”.
Trong một diễn biến đáng quan tâm, các chuyên gia thị trường đang theo dõi chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu hàng tháng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, trong đó kết hợp dữ liệu bao gồm giá vận chuyển hàng hải và khảo sát chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tại các nền kinh tế lớn. Số dương cho thấy tình trạng tắc nghẽn cao hơn bình thường, trong khi số âm cho thấy nhu cầu giảm, dẫn đến ít hàng hoá được vận chuyển hơn.
Ghi nhận dữ liệu của tháng 7 vừa được công bố gần đây, dưới mức 0 đã được ghi nhận trong 6 tháng liên tiếp, mà cụ thể là -0,9. Tháng 5 chứng kiến con số này giảm xuống mức thấp thứ hai trong lịch sử, chỉ vượt qua mức -1,59 của tháng 11/2008, trong thời kỳ suy thoái của Mỹ, khi một cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát đã làm cạn kiệt nhu cầu đối với tư liệu sản xuất (capital goods) và các sản phẩm tiêu dùng đắt tiền như ôtô.
Ngược lại, nhu cầu về hàng hoá tăng cao trong thời kỳ đại dịch do người tiêu dùng phải ở nhà và thường xuyên mua sắm trực tuyến. Daejin Lee, Giám đốc phân tích và nghiên cứu dự án chuyển đổi tại S&P Global Commodity Insights cho biết, khi cuộc khủng hoảng COVID-19 lắng xuống, mô hình tiêu dùng đã chuyển từ hàng hoá sang dịch vụ như nhu cầu du lịch.
Một số nhà quan sát nhận xét, việc thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương chủ yếu ở các nền kinh tế tiên tiến nhìn chung có đóng vai trò nào đó. Việc nới lỏng quy mô lớn trong thời kỳ đại dịch đã khiến giá tài sản tăng vọt và thúc đẩy tiêu dùng quá mức, trong khi lãi suất tăng nhanh sau đó đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tín dụng kéo dài theo nhu cầu đi xuống.
Cũng trong lúc này, nhu cầu tại thị trường khổng lồ Trung Quốc lại yếu hơn dự đoán. Dữ liệu chính thức cho thấy, tháy 6 chứng kiến nhập khẩu bằng đồng dollar giảm so với tháng 5, tức giảm liên tục 4 tháng trong năm.
Giám đốc điều hành của L’Oreal Nicolas Hieronimus đã thừa nhận rằng niềm tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc “vẫn chưa trở lại mức trước COVID-19”.
Nhìn chung, sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hoá vật chất đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trên toàn thế giới.
Chỉ số PMI của Mỹ đã cải thiện nhẹ trong tháng 7, lên mức 46,4, song vẫn ở mức dưới 50 trong 9 tháng liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ cuộc suy thoái do khủng hoảng tài chính năm 2008 gây ra. Các đơn đặt hàng điện tử và hoá chất đặc biệt yếu.
Cùng lúc, chỉ số PMI toàn cầu đạt mức 50 trong tháng thứ 11 liên tiếp, ghi nhận vào tháng 7. Khoảng 70% trong số 29 nền kinh tế lớn đã có số liệu cho thấy sự co lại trong hoạt động sản xuất.
Dữ liệu PMI của S&P Global cho thấy những điểm yếu đặc biệt ở châu Âu, với Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, chỉ đứng ở mức 38,8.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi Tập đoàn hoá chất BASF của Đức đã chứng kiến nhu cầu giảm từ các khách hàng lớn nước ngoài và gần đây đã hạ triển vọng thu nhập của cả năm.
Được biết, nền kinh tế Mỹ và toàn cầu hiện đang được thúc đẩy chủ yếu bởi các dịch vụ. Với việc làm đang gia tăng, nguy cơ suy thoái ngay lập tức có thể sẽ thấp, nhưng liệu điều đó có duy trì được nếu “tình trạng lạnh nhạt” trong lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp diễn hay không… thì vẫn chưa rõ ràng.