leftcenterrightdel
 Việc tổ chức thi tuyển vừa để sàng lọc chất lượng đầu vào, vừa tạo động lực nâng cao chất lượng dạy và học

Nhiều học sinh bị điểm yếu

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, Trường THPT Phú Bài (thị xã Hương Thủy) có gần 700 thí sinh đăng ký dự thi, cạnh tranh 484 chỉ tiêu. Với điểm chuẩn 22,6, Trường THPT Phú Bài có điểm chuẩn cao hơn một số trường khác trong địa bàn và lân cận. Hầu hết các thí sinh dự thi đều ở các phường, xã: Phú Bài, Thủy Lương, Thủy Châu, Thủy Tân, Thủy Phù, Phú Sơn… Trong đó, một số trường THCS có tỷ lệ đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phú Bài chưa cao. Trong số gần 700 thí sinh dự thi, có 80 em bị điểm liệt (0 điểm), trong đó có những em có kết quả học tập trong năm đạt loại khá.

Trường THCS Thủy Lương có 99 học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10; trong đó, có 85 học sinh đỗ vào các trường THPT công lập, đạt tỷ lệ 86%. Tuy nhiên, chỉ có 54 học sinh đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phú Bài, đạt tỷ lệ 51,9%. Từ kết quả tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài Hoàng Minh cho hay, bên cạnh một số trường THCS có kết quả khá tốt vẫn còn một số trường có nhiều học sinh điểm không cao, bị điểm liệt. “Đây là khóa học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học chung của cấp THCS. Hơn nữa, lần đầu tiên tổ chức thi tuyển đầu vào lớp 10 trên địa bàn toàn tỉnh nên một số trường chưa có kinh nghiệm xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh”, ông Minh nói.

leftcenterrightdel
Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 

Ngoài nguyên nhân khách quan, không thể phủ nhận, một số trường THCS ở các huyện, thị đã quen với việc xét tuyển bằng học bạ nên chưa có động lực tập trung dạy và học tốt chuẩn bị cho kỳ thi. Nhiều học sinh chưa ý thức tầm quan trọng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để có sự đầu tư đúng mức.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT về phổ điểm tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, vẫn còn nhiều học sinh bị điểm yếu. Điểm dưới 5 nhiều và có tình trạng bị điểm liệt, nhiều nhất là môn toán, tiếp đó là ngoại ngữ. Qua kỳ thi có thể đánh giá được sự phát triển giáo dục của tất cả các huyện trên địa bàn toàn tỉnh. Có nhiều huyện, thị có điều kiện kinh tế - xã hội tốt nhưng phổ điểm tuyển sinh vào lớp 10 thấp, cũng có nơi điều kiện kinh tế - xã hội chưa cao lắm nhưng chất lượng phổ điểm thi vào lớp 10 cao. Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân cho rằng, phân tích kết quả thi là kênh quan trọng để đánh giá chất lượng dạy học ở các trường, các cấp học cũng như sự quan tâm của các địa phương, sự đầu tư của các nhà trường trong công tác chỉ đạo, quản lý.

Động lực để dạy và học tốt

Trước đây, việc tổ chức thi đầu vào lớp 10 chỉ áp dụng đối với TP. Huế, còn các huyện, thị khác xét tuyển theo kết quả học bạ. Việc tổ chức kỳ thi vào lớp 10 toàn tỉnh nhằm sát hạch, đánh giá mặt bằng kiến thức chung để vừa phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng của các cấp bậc học vừa thực hiện công tác phân luồng theo Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Theo lộ trình, năm học 2023 - 2024, hai huyện Nam Đông, A Lưới cũng sẽ tổ chức thi tuyển vào lớp 10 để nâng cao chất lượng, rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục vùng đồng bằng và giáo dục miền núi cũng như thực hiện chính sách phân luồng.

Ông Nguyễn Tân nhấn mạnh: “Kỳ thi cũng là một bước để thực hiện đề án nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoài việc tăng cường phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh, việc khảo sát năng lực đầu vào sau khi tốt nghiệp THCS để giáo viên và học sinh lo lắng hơn, có động lực dạy và học tốt hơn. Từ đó, tăng chất lượng, hướng đến nâng cao phổ điểm cũng như tỷ lệ tốt nghiệp và tỷ lệ này là thực chất. Để đảm bảo việc dạy thật, học thật và đánh giá thật trong giáo dục, năm nay, Sở GD&ĐT vẫn tuyển sinh theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển nhưng giảm tỷ lệ điểm theo kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học cấp THCS so với năm trước và tăng tỷ lệ điểm thi lên”.

Kết quả thi tuyển vào lớp 10 đánh giá được việc tổ chức dạy học của nhà trường. Vì vậy, Phòng GD&ĐT và các trường phải có giải pháp nâng cao chất lượng. Trước tiên, các địa phương phải thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, nâng chất lượng dạy học từ cấp tiểu học. Lãnh đạo các phòng GD&ĐT phải rà soát, đánh giá kỹ việc dạy học từ lớp 1 của tất cả các trường trên địa bàn, đảm bảo học sinh phải hoàn thành các mục tiêu cần đạt chứ không chỉ tập trung vào cấp 2. Việc kiểm tra, đánh giá, rà soát cần thực hiện kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn đánh giá của chương trình GDPT mới của Bộ GD&ĐT để động viên, khuyến khích học sinh.

Giám đốc Sở GD&ĐT lưu ý, năm học 2023-2024 cũng là năm cuối cùng các lớp 5, 9 và 12 học theo chương trình GDPT cũ. Nếu các em học sinh lớp cuối cấp không vượt qua kỳ thi sẽ rất khó khăn bởi năm học tiếp theo sẽ thi theo chương trình GDPT mới. Vì thế, các trường cần đặc biệt quan tâm lớp 9, tạo mọi điều kiện, thời gian, nguồn lực để phụ đạo cho các em thi đỗ, đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi năm tới, hạn chế tình trạng phổ điểm thấp như kỳ thi vừa qua. Qua phân tích kết quả kỳ thi năm nay, các trường phải biết điểm yếu của trường mình là môn nào, học sinh đang thiếu kỹ năng làm trắc nghiệm hay tự luận để trao đổi chuyên môn, thảo luận giải pháp nâng cao chất lượng môn học. Trên cơ sở kết quả tuyển sinh vào lớp 10, các trường THCS cũng đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao tỷ lệ thi đỗ vào các trường THPT công lập.

Bài, ảnh: MINH HIỀN