Tại Tổ đình Từ Đàm, Công an TP. Huế tiến hành thu nhận, hướng dẫn các thủ tục cần thiết liên quan đến CCCD cho các hòa thượng, tăng ni, phật tử |
“Ngày cuối tuần làm công an xã”
Ngày chủ nhật 30/7, tổ xung kích thu nhận hồ sơ VNeID gồm 2 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn Thanh niên Công an tỉnh cùng cán bộ công an cơ sở đến tổ dân phố 5, thị trấn A Lưới (A Lưới) để thu nhận hồ sơ VNeID cho người dân. Thời điểm này, bà con vừa từ nương rẫy hoặc đi làm rừng trở về nhà sau một ngày lao động.
Tại nhà bà Hồ Thị Hên, trú tại tổ 5, thị trấn A Lưới, các cán bộ, chiến sĩ công an đã tận tình hướng dẫn bà cùng con gái 18 tuổi của bà Hên cài đặt ứng dụng VNeID và đăng nhập, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) trên ứng dụng này.
Thiếu tá Lê Viết Phương, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh chia sẻ, tranh thủ những ngày cuối tuần, 28 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh đã lên với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã của huyện A Lưới và lực lượng công an sở tại để thực hiện chương trình với tên gọi “Ngày cuối tuần làm công an xã”. Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là, góp phần đẩy nhanh đợt cao điểm thu nhận hồ sơ cấp TKĐDĐT cho công dân.
Tại đây, các “Tổ xung kích VNeID” được thành lập để hướng dẫn cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện dịch vụ công, kết hợp thu nhận hồ sơ cấp TKĐDĐT; đăng ký, kích hoạt TKĐDĐT tại các điểm cố định và lưu động kết hợp với tuyên truyền về Luật phòng, chống ma túy tại các hộ dân, góp phần nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội, lợi dụng hoạt động, gây ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn.
Tại Tổ đình Từ Đàm, các cán bộ, chiến sĩ của Công an TP. Huế kết hợp với công an phường tổ chức cấp căn cước công dân (CCCD) lưu động cho các tăng ni, phật tử trên địa bàn.
Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch hội đồng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương, Trưởng ban hướng dẫn Phật tử Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh chia sẻ, việc đề nghị cấp CCCD; hỗ trợ hướng dẫn tải ứng dụng VNeID; cài đặt TKĐDĐT mức độ 1, 2… là trách nhiệm, quyền lợi của tăng ni, phật tử.
Liên tục những ngày qua, Công an TP. Huế và công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã huy động nhiều lực lượng triển khai làm việc liên tục, làm ngoài giờ để đăng ký, kích hoạt TKĐDĐT VneID cũng như hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Vượt khó "hết việc, không hết giờ"
Tính đến hết ngày 30/7/2023, Công an TP. Huế đã thu nhận 299.948 hồ sơ ĐDĐT (đạt tỷ lệ 71,49%) so với tổng số nhân khẩu trên 14 tuổi đang cư trú trên địa bàn; hướng dẫn, kích hoạt 146.197 tài khoản (đạt tỷ lệ 34,85%)…
Thượng tá Hoàng Liên Sơn, Phó Trưởng Công an TP. Huế cho biết, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh các tổ lưu động kích hoạt TKĐDĐT. Công an các phường, xã tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương huy động các tổ thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, làm việc ngoài giờ kể cả ban đêm để kích hoạt TKĐDĐT. Đây là ví điện tử tích hợp nhiều loại giấy tờ cá nhân hết sức thuận tiện cho người dân khi thực hiện các thủ tục đăng ký lưu trú, khám chữa bệnh…
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) trong lực lượng Công an Nhân dân, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Công an đánh giá có cách làm hay, sáng tạo khi rút ngắn thời hạn giải quyết so với quy định đối với hơn 60 TTHC.
Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Với tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương khai thác tối ưu những hiệu quả từ các mô hình thuộc Đề án 06 đang triển khai trên địa bàn tỉnh và huy động nguồn lực tại chỗ để đăng ký thực hiện rút ngắn thời hạn giải quyết đối với các TTHC chưa được rút ngắn và đăng ký rút ngắn thời hạn giải quyết hơn nữa đối với các TTHC đã đăng ký trước đó.
Đến nay, đã rút ngắn thêm được 12 TTHC (cấp huyện 4 thủ tục, cấp xã 8 thủ tục), nâng tổng số TTHC của Công an tỉnh được rút ngắn lên 68/153 thủ tục thuộc các lĩnh vực: Đăng ký quản lý phương tiện giao thông; cư trú; xuất nhập cảnh; phòng cháy và chữa cháy; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT; vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó, tại Công an cấp tỉnh 48 thủ tục, công an cấp huyện 12 thủ tục và công an cấp xã 8 TTHC.
Để thực hiện tốt việc rút ngắn thời hạn giải quyết TTHC so với quy định, Công an tỉnh luôn thực hiện phương châm "hết việc chứ không hết giờ", giải quyết sớm nhất TTHC có thể cho người dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của cán bộ, chiến sĩ.
“Công an tỉnh cũng đã chủ động ban hành quy định trách nhiệm công khai xin lỗi cá nhân, tổ chức vì sự sai sót trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC. Cụ thể, ở cấp tỉnh là Giám đốc Công an tỉnh, cấp huyện là Trưởng Công an cấp huyện trực tiếp xin lỗi người dân nếu có sai sót trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Nhờ vậy, đã nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng”, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn thông tin.